Người mua vui mừng vì được nhà giá “hời”
Thị trường bất động sản dịp cận Tết vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, những chủ nhà cần tiền gấp cũng phải tiếp tục “xuống nước” để tìm người mua. Theo đó, không ít người có sẵn tiền mặt vui mừng vì đã mua được với giá hời.
Vừa chốt thành công căn nhà có diện tích 40m2, với giá 3,7 tỷ đồng trong ngõ tại phố Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Thái đang rất vui mừng vì đã mua được với giá “hời”.
“Cách đây 2 tháng, tôi đến xem căn nhà này đã ưng mắt nhưng khi đó giá tới 4 tỷ đồng. Cận Tết, chủ nhà cần tiền gấp để tất toán công nợ nên đã chấp nhận giảm 300 triệu đồng theo yêu cầu của tôi. Hết Tết, tôi tìm người vào sửa sang lại một chút là có thể ở ngay”, anh Thái nói.
Tương tự, sau một thời gian dài đi tìm nhà, mới đây, vợ chồng anh Nguyễn Trường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chốt thành công căn hộ cũ tại Mỹ Đình với mức giá 2 tỷ đồng, diện tích 68m2.
“Hai tháng nay vợ chồng tôi ngược xuôi tìm mua nhà khắp nơi, với mức tài chính chỉ khoảng 2 tỷ đồng là rất khó tìm. Thời điểm cận Tết, tôi thấy, nhiều căn chung cư cũ đã điều chỉnh về giá nhưng không nhiều. Căn tôi mua do chủ nhà họ cần tiền trước Tết nên chấp nhận giảm 200 triệu đồng. Thấy được giá nên vợ chồng tôi xuống tiền mua ngay. Hiện tại ngôi nhà đã được sửa sang sạch đẹp, Tết xong vợ chồng tôi sẽ chuyển vào ở”, anh Trường nói.
Người đau đầu vì những cuộc gọi
Nhiều trường hợp thời điểm cận Tết mua được nhà với mức giá hời nhưng một số khác lại bị môi giới bất động sản khủng bố khi biết có nhu cầu tìm mua gấp. Đơn cử, chị Thu Thảo, đang tìm nhà tại khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) với mức tài chính khoảng 3 tỷ đồng nhưng liên tục bị môi giới dẫn đi xem những căn nhà có giá tới 8 - 9 tỷ đồng.
“Mức tài chính của tôi có hạn nhưng môi giới liên tục dẫn đi xem những căn nhà có giá cao ngất ngưởng rồi chào mời vay thêm tiền ngân hàng để mua”, chị Thảo nói.
Ngoài mất thời gian đi xem những căn nhà vượt khả năng tài chính, chị Thảo còn liên tục bị các môi giới gọi điện làm phiền, giới thiệu hết căn nọ tới căn kia nhưng không đúng nhu cầu.
“Cuối năm công việc ai cũng bận rộn, nhưng hàng ngày tôi tiếp tới 20 cuộc điện thoại từ môi giới. Thậm chí, nhiều hôm đang nghỉ trưa hoặc sau 22h vẫn gọi tới giới thiệu những căn nhà khác nhau nhưng không đúng nhu cầu. Tôi thấy rất mất thời gian và phiền phức”, chị Thảo nói.
Thực tế, khi thị trường trầm lắng, tần suất môi giới gọi điện để chào mời bán bất động sản ngày càng lớn hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh cận Tết, nhiều môi giới càng “khát” giao dịch. Song điều này khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và mất thiện cảm.
Theo anh Tuấn, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, rất khó để có được cuộc gọi dài với khách hàng trong thời điểm thị trường nhiều khó khăn như hiện nay.
“Không chỉ khách hàng lạ, những khách hàng đã từng giao dịch cũng không mặn mà với các cuộc gọi từ môi giới lúc này. Thậm chí, nhiều khách hàng chỉ mới nghe giới thiệu đã tắt máy và chặn số điện thoại. Tuy nhiên, các môi giới cũng có nỗi khổ riêng, không muốn làm phiền người khác những vẫn cố để vớt vát được thêm giao dịch”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cho biết có những môi giới bất động sản nhiều tháng nay không có giao dịch phát sinh. Song, nắm bắt được tâm lý nhiều người muốn mua nhà cận Tết Nguyên đán nên các “chiến dịch” gọi điện giới thiệu mua bất động sản càng được triển khai ráo riết.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua nhà tăng, nhưng thường dẫn đến tâm lý vội vàng, không mua nhanh sẽ mất cơ hội.
“Tuy nhiên, nếu không suy xét kỹ có thể sập bẫy của những người lừa đảo. Một số người còn mua phải hàng tồn kho, chưa được giá hoặc vướng vào tranh chấp, tính pháp lý chưa rõ ràng. Thậm chí, có trường hợp còn mua phải căn nhà đã bán cho người khác, tức cùng một căn, nhưng lại làm giả nhiều sổ đỏ”, ông Điệp nói.