Đầu năm 2022, thị trường chứng khoán lập đỉnh cao kỷ lục khi VN-Index vượt mốc 1.500 nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân giúp nhiều cổ phiếu trên sàn cũng lập đỉnh. Tuy nhiên kể từ giữa năm 2022 thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà giảm sâu và "quanh quẩn" suốt một thời gian dài quanh mốc 1.100 điểm, kéo theo nhiều mã cổ phiếu cũng trượt dài từ đỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mã cổ phiếu vẫn "lầm lũi" đi lên và lập đỉnh trong năm 2023.
Trong số những cổ phiếu đã lập đỉnh mới trong năm 2023, có thể kể đến một số cái tên quen thuộc trên thị trường chứng khoán như FPT, VCB, FRT, NAB, GMD... Điểm chung của các doanh nghiệp này là đều đang có một năm "vượt khó" với kết quả tăng trưởng đều đặn.
Có thể lấy ví dụ đến FPT, doanh nghiệp này đang ghi nhận sự tăng trưởng hai chữ số suốt gần 4 năm trở lại đây. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt 42.465 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.689 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 21% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã hoàn thành 81% kế hoạch doanh thu và gần 85% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.
Trước đó, FPT đã tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận với lãi trước thuế quý 3 đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nối dài chuỗi tăng trưởng lợi nhuận theo quý so với cùng kỳ tập đoàn này. FPT cũng là doanh nghiệp hiếm hoi duy trì được thành tích này trong nhiều năm qua.
Ngoài FPT, có thể kể đến một ví dụ về sự tăng trưởng trong một năm khó khăn như 2023 nữa là Gemadept (GMD). Về tình hoạt động của doanh nghiệp này, quý 3/2023, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 998 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của doanh nghiệp này tăng nhẹ 4% lên 254 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Gemadept đạt 2.812 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.310 tỷ đồng, lần lượt giảm nhẹ và tăng 145% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, công ty thực hiện được 72% doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Theo phía lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động khai thác cảng, logistics trong 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản tiền từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.
Ông lớn ngành ngân hàng là Vietcombank (VCB) cũng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh, dẫn đến việc cổ phiếu VCB đã phá đỉnh lịch sử trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 tăng 20% lên 9.051 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này lãi gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18%.
Tuy nhiên, vẫn có một số những doanh nghiệp dù ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2023 nhưng cổ phiếu vẫn lập đỉnh lịch sử. FPT Retail (FRT) là một trong những trường hợp như vậy do những khó khăn nói chung của thị trường bán lẻ.
Trong quý 3/2023, doanh thu thuần ghi nhận 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Dù vậy, áp lực chi phí tăng, đặc biệt chi phí bán hàng vượt 1.000 tỷ khiến lợi nhuận bị "ăn mòn". Kết quả, FPT Retail lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 85 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, FPT Retail lỗ sau thuế gần 226 tỷ, cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng.
Dù vậy, điểm sáng của FPT Retail tới từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Đây sẽ là yếu tố “gánh team” cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này và cũng là mảng được kỳ vọng là sức bật cho trong tương lai. Trong quý 3/2023, doanh thu chuỗi Long Châu tiếp tục vượt mặt FPT Shop, đóng góp 4.189 tỷ, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi vẫn duy trì được mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,1 tỷ đồng.
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán MBS kỳ vọng Long Châu sẽ trở thành động lực tăng trưởng doanh thu chính cho FRT. Đội ngũ phân tích đánh giá thị trường bán lẻ thuốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn do chưa có đơn vị dẫn đầu thị trường về thị phần. Trong khi đó, cơ cấu dân số Việt Nam già hóa ngày càng nhanh, thúc đẩy nhu cầu quan tâm về sức khỏe tăng mạnh cũng như môi trường sinh hoạt tương đối ô nhiễm, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khỏe.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu FRT tăng mạnh trong năm nay phải kể đến việc khối ngoại gần đây đang liên tục mua vào cổ phiếu này. Từ giữ tháng 9 đến cuối tháng 10 năm nay, nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục mua cổ phiếu FRT. Tính theo số lượng nắm giữ tại ngày 14/9 là 10,77 triệu đơn vị, nhóm quỹ này đã mua ròng tổng cộng khoảng 2,85 triệu cổ phiếu FRT trong vòng một tháng rưỡi, nâng sở hữu từ 7,91% lên hơn 10% ở hiện tại.