Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, hiện nay, xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.
Trong đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các bon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015; Rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng – ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đồng thời, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài tại Khoản 1 Ðiều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; theo đó, quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
“Có thể nói, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Các TCTD cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.
Mặc dù, đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ rõ, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.
Theo đó, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…
Nhằm giúp các TCTD hội viên nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro liên quan đến phát triển bền vững, Ủy ban Chính sách - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Ngân hàng xanh - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các TCTD Việt Nam”.
Tọa đàm là cơ hội trao đổi kinh nghiệm và cập nhật nhiều thông tin bổ ích cho các các TCTD, đặc biệt là tiếp thu những kinh nghiệm triển khai quốc tế từ Ngân hàng Standard Chartered, một trong những hàng đi đầu trên thế giới về ngân hàng xanh. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý để triển khai hiệu quả ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam một cách thuận lợi.