Theo báo cáo mới nhất của Savills về thị trường bất động sản TP.HCM, đơn vị này đưa ra nhận định về triển vọng phát triển của một số phân khúc bất động sản trong năm 2023.
Cụ thể, với phân khúc bán lẻ, một vài chủ đầu tư đang có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê vào năm 2023, bao gồm Vivo City, Pandora City và Lotte Mart đã công bố kế hoạch cải tạo.
Năm 2023, nguồn cung mới từ 16 dự án sẽ cung cấp tổng cộng 193.000 m2 diện tích cho thuê. Quận 8 sẽ chào đón hai trung tâm thương mại với quy mô 27.000 m2 diện tích cho thuê mỗi trung tâm.
Đến năm 2025, 23 dự án sẽ cung cấp trên 286.000 m2 diện tích cho thuê, trong đó, khoảng 86% sẽ đến từ khu vực ngoài trung tâm.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Nghiên cứu Thị trường Savills TP.HCM nhận định, tiêu dùng của thành phố vẫn duy trì ở mức cao trong năm qua, tạo động lực giúp thị trường mặt bằng bán lẻ thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư. Thị trường mặt bằng bán lẻ đang diễn biến sôi động khi khách thuê thuộc lĩnh vực thời trang chiếm 24% diện tích trả mặt bằng, lĩnh vực ăn uống chiếm 22%, còn lĩnh vực giải trí và giáo dục chiếm 20%.
Theo bà Hương, năm 2022, sức mua hàng hóa diễn biến tích cực, tăng 21% theo năm, trong đó ngành ăn uống tăng 7% và nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023. Người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến các thương hiệu thuộc ngành hàng chăm sóc sức khỏe, thể thao. Yêu cầu thuê mặt bằng của các khách thuê thuộc nhóm ngành này cũng có xu hướng gia tăng trong năm Quý Mão.
Với phân khúc khách sạn, theo Statista, doanh thu ngành khách sạn ở Đông Nam Á dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 khi khách Trung Quốc quay trở lại. Từ 2023 – 2027, doanh thu ngành khách sạn Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7% mỗi năm và doanh thu bình quân trên mỗi khách dự kiến đạt 158 USD vào năm 2027, tăng 0,3% mỗi năm.
Nguồn cung tương lai hạn chế, đến năm 2025, chỉ có hai khách sạn Sotetsu Hotel và Macxy Hotel sẽ hoạt động. Các dự án khác đang bị hoãn hoặc chưa có tiến độ xây dựng cụ thể.
Nhận định về phân khúc này, bà Hương cho biết: "Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động ổn định trở lại và cải thiện nhờ khách quốc tế và khách công tác".
Về triển vọng phân khúc căn hộ, đơn vị Savills cho rằng, các chủ đầu tư trì hoãn việc mở bán mới khoảng 5.000 căn hộ cho đến năm 2023. Trong ngắn hạn, việc tín dụng tiếp tục bị hạn chế vào bất động sản và các doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Năm 2023, nguồn cung tương lai ước đạt 8.000 căn, giảm 60% so với năm 2022.
Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở Hồ Chí Minh vẫn cao do tỷ lệ di cư thuần tăng, dân số ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa cao. Đến năm 2025, nguồn cung tương lai dự kiến đạt 103.800 căn; TP.Thủ Đức sẽ cung cấp 53%.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam nhận định: "Thị trường sắp tới sẽ có nhiều điều thay đổi, nguồn cung căn hộ thiếu vắng phân hạng phổ thông thúc đẩy nhu cầu đến các khu vực lân cận".
Với phân khúc biệt thự/nhà phố, đến năm 2023, thị trường kỳ vọng sẽ có 1.200 biệt thự/nhà phố mới. Nguồn cung hạn chế do các chủ đầu tư gặp khó khăn trong huy động vốn và hoàn thiện thủ tục pháp lý. Các dự án đáng chú ý bao gồm các giai đoạn tiếp theo của The 9 Stellars, The Global City và Senturia An Phú. Tất cả đều đang được xây dựng và có pháp lý rõ ràng.
Ông Troy Griffiths cho rằng: "Nguồn cung khan hiếm tại TP.HCM tiếp tục thúc đẩy nhu cầu lan sang các tỉnh lân cận, nơi sẽ hưởng lợi từ nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đang được triển khai".
Đến năm 2025, nguồn cung tương lai dự kiến đạt trên 5.500 căn. TP.Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân sẽ cung cấp gần 70%. Ưu tiên phát triển nhà ở gắn với kết nối giao thông công cộng như các tuyến Metro, đặc biệt tại khu vực Thủ Đức, Bình Tân, Quận 7 và Quận 12 theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.