Tỷ giá tăng, Ngân hàng Nhà nước trở lại hút tiền, thị trường chứng khoán tuần sau sẽ thế nào?

Cuộc họp của FED, áp lực tỷ giá và động thái phát hành tín phiếu của NHNN được xem là những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán tuần vừa qua. Vậy sau 2 phiên lao dốc mạnh (21-22/9), thị trường có phục hồi trong tuần tới?

Nhà đầu tư chứng khoán vừa trải qua một tuần đầy biến động, đặc biệt là diễn biến giảm mạnh trong 2 ngày 21-22/9. VN-Index kết phiên tuần này chính thức mất mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,4 tỷ cổ phiếu trong ngày 22/9, thiết lập phiên thanh khoản cao thứ hai sau phiên 18/8, tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 30.000 tỷ đồng.

Tại Talkshow “ Tỷ giá tăng, chứng khoán còn biến động mạnh? ” do báo Người lao động tổ chức ngày 23/9, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích và Nghiên cứu sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết yếu tố đầu tiên dẫn đến 2 phiên giảm điểm mạnh vừa qua là cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Như dự đoán của thị trường thì FED không tăng lãi suất trong tháng 9, nhưng FED vẫn tương đối thận trọng với tình hình lạm phát hiện nay, dẫn tới lo ngại mục tiêu đưa lạm phát về dưới 2% vẫn còn khó khăn thời gian tới. FED cũng đưa ra dự định là từ nay tới cuối năm sẽ có thêm 1 đợt tăng lãi suất nữa. Ngoài ra trong năm 2024, cũng khá bất ngờ với thị trường khi FED dự kiến chỉ có 2 lần giảm lãi suất. Đây là nguyên nhân chính khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư Việt Nam, khiến VNIndex mất mốc 1.200 điểm phiên giao dịch cuối tuần này.

Yếu tố thứ 2 là áp lực tỷ giá trong nước gia tăng, khi chỉ số đồng đô la Mỹ tăng lên quanh mức 105 điểm. Thứ ba, tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi động thái bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây. Tính từ đầu năm, giá trị bán ròng luỹ kế đã xấp xỉ 9.000 tỷ.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thế Minh, ông Lê Tự Quốc Hưng từ bộ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có có nhiều sự kiện lớn về kinh tế đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư tuần qua. Ngoài yếu tố tỷ giá, cuộc họp của FED thì động thái mới của Ngân hàng Nhà nước cũng gây sự chú ý trên thị trường. Cơ quan này đã trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng, qua đó hút hàng chục nghìn tỷ đồng ra khỏi hệ thống.

Chuyên gia cho rằng, diễn biến bán tháo sẽ khó xảy ra trong tuần tới. Ông Nguyễn Thế Minh nghiêng về kịch bản thị trường sẽ có sự phục hồi. Đặc biệt, sau phiên cuối tuần thì nhà đầu tư có thời gian để ổn định lại tâm lý. Áp lực tỷ giá cũng có thể sẽ sớm hạ nhiệt. “Đồng USD tuy chưa có xu hướng giảm nhưng đang chững lại đà tăng và ở vùng cản mạnh. Do đó, tác động từ tỷ giá có thể không còn lớn, tôi kỳ vọng áp lực điều chỉnh sẽ sớm kết thúc”.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra, ngay cả trong 2 phiên điều chỉnh mạnh vừa rồi, vẫn có một số nhóm cổ phiếu đi ngược thị trường như xuất khẩu, hoá chất và một số cổ phiếu ngành bán lẻ. “Thời gian tới, tôi vẫn khá lạc quan với cổ phiếu hoá chất, nhóm xuất khẩu đặc biệt là thuỷ sản sẽ khả quan hơn,…ngoài ra còn có một số nhóm cổ phiếu hấp dẫn như vận tải, bất động sản khu công nghiẹp, chứng khoán,…”.

“Nói về định giá, thị trường có thể đã qua thời điểm gọi là rẻ, nhưng hiện nay vẫn còn hấp dẫn. Thực tế, tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài so với quy mô thị trường là khá nhỏ và thị trường vẫn được dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có những khó khăn, đặc biệt sau 2 phiên vừa qua khiến nhà đầu tư dè chừng, nhất là những người đang nắm cổ phiếu. Họ sẽ ngại mua mới. Nhưng những người đang giữ tiền, không biết làm gì thì đây là cơ hội. Hiện nay lãi suất huy động rất thấp nên nhu cầu đầu tư là còn rất lớn”, ông Minh chia sẻ.

Ông Hưng cũng cho rằng, tuần tới sẽ khó có sự kiện đủ lớn để khiến thị trường biến động mạnh như tuần trước. Các NHTW trên thế giới đã đi vào cuối lộ trình tăng lãi suất nên việc tỷ giá tăng tiếp là khá hạn chế. Do đó, áp lực bán của khối ngoại sẽ dịu lại. Thị trường có thể sẽ phục hồi trong tuần tới, dẫn dắt bởi nhà đầu tư cá nhân. “Bản thân tôi khá ưa thích cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp bởi ngành này đang hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô”, ông Hưng chia sẻ.