Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhóm ngân hàng cổ phần bất ngờ tăng mạnh, vượt xa mức trần quy định

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại NHTM cổ phần vào cuối tháng 8 đã tăng mạnh lên mức 39,11% - cao hơn so với trần cho phép (34%) trong giai đoạn 1/10/2022 – 30/9/2023.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã tăng lên 28,78% từ mức 26,14% vào cuối tháng 7.

Trong đó, tỷ lệ này tại nhóm NHTM Nhà nước giảm từ mức 24,97% xuống còn 24,67%; trong khi nhóm NHTM cổ phần tăng mạnh từ 33,66% lên 39,11% - cao hơn mức trần cho phép 34% trong giai đoạn 1/10/2022 – 30/9/2023.

Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10.

Với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của tăng mạnh trước thời điểm quy định mới có hiệu lực, nhóm NHTM cổ phần sẽ chịu áp lực lớn trong việc cơ cấu lại nguồn vốn và dư nợ cho vay. Trong khi đó, các NHTM Nhà nước có phần “thoải mái” hơn khi tuân thủ quy định mới.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại nhóm ngân hàng cổ phần bất ngờ tăng mạnh, vượt xa mức trần quy định - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Theo giới phân tích, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm sẽ thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trung dài hạn, tăng cường phát hành giấy tờ có giá, đặc biệt là trái phiếu để xử lý cho tỷ lệ này.

Dữ liệu thống kê của chứng khoán VNDirect cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) có sự phục hồi tích cực trong quý 3/2023, khi cao gấp gần 2,7 lần so với quý 2/2023 và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ sự gia tăng của nhóm ngân hàng với tổng giá trị TPDNRL phát hành trong quý 3/2023 đạt khoảng 47.224 tỷ đồng, chiếm 53,2% toàn thị trường.

VNDirect nhận định quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN của NHNN về tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng phải giảm về mức 30% từ mức 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/23 là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động phát hành TPDNRL của nhóm ngân hàng diễn ra tích cực trong quý 3/2023 vừa qua (các ngân hàng phát hành TPDN để tăng phần vốn huy động trung và dài hạn).

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có một số ảnh hưởng nhất định tới các ngân hàng.

Theo KBSV, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thông tư mới cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn (COF) của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).

Trong dài hạn, KBSV cho rằng với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.