Nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các trường hợp chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động, trong lần sửa đổi Luật BHXH này, ban soạn thảo đã bổ sung vào dự thảo luật các biện pháp chế tài để đảm bảo tính thực thi của pháp luật như:
- Tính lãi 0,03%/ ngày trên số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH (tương tự như tiền chậm nộp thuế);
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên;
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên;
- Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án;
- Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ Luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật;
- Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, sau nhiều lần chỉnh sửa, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất không còn quy định biện pháp chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH.
Lý giải điều này, tại buổi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) diễn ra mới đây, Ủy ban Xã hội Quốc hội cho rằng việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và vô hình chung cũng sẽ ảnh hưởng tới cả người lao động, thậm chí khiến cho người lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, cũng chưa có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng; chưa xử lý được vướng mắc khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế.
Đối với chế tài hoãn xuất cảnh khi người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cũng đã được sửa đổi theo hướng dẫn chiếu quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung khoản 2 Điều 140 (dự thảo Luật BHXH sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH.