Vì sao NHNN chưa dỡ bỏ công cụ giao “room” tín dụng?

Theo NHNN, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, NHNN nêu rõ định hướng điều hành tín dụng năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ngày 24/02/2023, NHNN đã có công văn 1079/NHNN-CSTT chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng năm 2023 và công văn thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 gửi các tổ chức tín dụng. Việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, mức độ tập trung tín dụng, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...

Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là nỗ lực của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

Như vậy, tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng trong năm 2022, 2023 đã được NHNN cụ thể hóa tại các văn bản nêu trên và công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN.

Hiện nay, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Tỷ lệ tín dụng/GDP liên tục duy trì ở mức cao, có xu hướng gia tăng (cuối năm 2022: 125,34%; 2021: 124,35%).

Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo NHNN, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường. Hiện nay trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, để tiến tới và kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế; tuy nhiên, điều này cũng cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.