Vốn hóa Twitter giảm 9 tỷ USD so với đề nghị mua lại của Elon Musk

Theo đà giảm chung của cổ phiếu công nghệ và lo ngại về thương vụ từ phía tỷ phú Elon Musk, cổ phiếu Twitter đã giảm sâu so với đề nghị mua lại của ông Musk.

Cổ phiếu Twitter đã giảm gần 13% kể từ khi đạt mức cao nhất năm 2022 vào cuối tháng 4 vừa qua. Chốt phiên giao dịch ngày 12/5, cổ phiếu Twitter có giá khoảng 45,08 USD, thấp hơn nhiều so với mức 54,20 USD trong đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk, tương ứng với chênh lệch 9 tỷ USD vốn hóa thị trường.  

Tuy hội đồng quản trị Twitter đã chấp thuận đề nghị mua lại của ông Elon Musk, vẫn phải tốn nhiều tháng để hoàn thành thương vụ. Bên cạnh đó, thương vụ này hoàn toàn có thể đổ bể. Nếu ông Musk là người quyết định từ bỏ, ông sẽ phải trả 1 tỷ USD cho Twitter. s

Nhà phân tích Mark Mahaney từ Evercore ISI, sau khi phân tích nhanh biến động cổ phiếu, cho rằng thị trường đang ít tin tưởng hơn vào khả năng hoàn thành thương vụ mua lại Twitter của ông Musk, chủ yếu do vướng mắc về quản lý. Trước khi ông Elon Musk đề nghị mua lại Twitter, tỷ phú này đã không công bố 9% cổ phần tại công ty này trong vòng 10 ngày theo quy định của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). 

Một số hãng tin bao gồm The Information và Bloomberg đã đưa tin Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang xem xét thời điểm ông Musk tiết lộ cổ phần của mình và Twitter và thậm chí đang đánh giá lại thương vụ mua lại Twitter. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng thương vụ này sẽ không gây lo ngại nào về vấn đề chống độc quyền.

Nhà phân tích Dan Ives từ Wedbush Securities cho rằng nhiều khả năng thương vụ của ông Elon Musk với Twitter sẽ hoàn thành, nhưng hiện có một số yếu tố gây sức ép với cổ phiếu công ty này, bao gồm sự dò xét của cơ quan quản lý và rủi ro từ việc ông Musk sử dụng cổ phần tại Tesla để tạo đòn bẩy cho chi phí mua lại Twitter. 

Về nội bộ, Twitter đã tạm dừng phần lớn quá trình tuyển dụng. Bên cạnh đó, 2 quản lý cấp cao về sản phẩm tại Twitter là Kayvon Beykpour và Bruce Falck cũng sẽ rời công ty mạng xã hội này.

Tùng Phong (Theo CNBC)