Ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của CTCP Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi) về khoản nợ gần 15 tỷ và lãi chậm thanh toán hơn 2 tỷ cho hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công công trình Thủy điện Đăk Pô Cô.
Ông Nguyễn Tường Cọt - TGĐ DLG cho biết đã và đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nhưng do tài khoản của Lilama 45.3 bị phong tỏa, nên nhiều lần DLG chuyển tiền đều bị chặn. Phải đến khi nhờ sự can thiệp của ngân hàng thì vào ngày 12/10/2023, DLG mới chuyển trả được tiền cho Lilama 45.3.
Thực tế, với tổng tài sản 5.737 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2023 thì số nợ với Lilama 45.3 chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng tài sản của Công ty.
Chủ nợ lớn nhất của "đại gia" phố núi là các ngân hàng.
Ai đang là “chủ nợ” lớn nhất của Đức Long Gia Lai?
Theo BCTC soát xét, tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ vay của DLG là 2.947 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa nguồn vốn, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu được tài trợ qua kênh ngân hàng.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của DLG là ngân hàng BIDV - Chi nhánh Gia Lai với tổng dư nợ ngắn và dài hạn 1.706 tỷ đồng. Trong đó, DLG đang nợ ngắn hạn BIDV (Gia Lai) 187 tỷ, nợ dài hạn đến hạn trả 124 tỷ đồng và dư nợ dài hạn 1.395 tỷ đồng. Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT...
Chủ nợ lớn thứ hai của DLG là VietinBank với tổng dư nợ 501 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 23 tỷ, vay dài hạn đến hạn trả 98 tỷ đồng và vay dài hạn 380 tỷ. Tài sản thế chấp tại VietinBank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT....
Thứ ba là Sacombank với khoản cho vay ngắn hạn 233 tỷ. Trong đó, khoản vay 178 tỷ vay tại Sacombank - Chi nhánh Tp.HCM - đang được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT và tài sản hữu hình của Công ty. Còn khoản vay 55 tỷ tại Sacombank - Chi nhánh Gia Lai - có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Ý kiến luật sư
Luật sư Lê Lu, nguyên Chánh tòa Tòa Kinh tế (Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai), nay là luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Ngô Đức Nam (tỉnh Gia Lai) cho hay, thẩm phán phải nhận thức được rằng Luật Phá sản là giải pháp cuối cùng để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng khánh kiệt.
"Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi chưa thực hiện tất cả các hành vi tố tụng theo quy định tại Điều 42 của Luật Phá sản năm 2014 là sự thiếu cẩn trọng, dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp và người lao động. Tất nhiên, doanh nghiệp có quyền căn cứ vào Điều 44 Luật Phá sản để yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét lại, kiến nghị kháng nghị quyết định mở thủ tục phá sản nhưng thiệt hại về thương hiệu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp" - Luật sư này đánh giá.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng, từ những vụ việc xảy ra như của Đức Long Gia Lai, hay Tân Tạo (ITA) trước đó cho thấy cần xem lại trước hết là khái niệm chủ nợ . Cụ thể, phải xác định đúng chủ nợ là người (doanh nghiệp) được tòa án tuyên là chủ nợ, phải có hiệu lực . Như vậy, trước khi xác định chủ nợ thì buộc phải kiện ra tòa, phải có bản án có hiệu lực pháp luật.
"Tôi cho rằng với những trường hợp này Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết, hướng dẫn rõ nếu không xác nhận nợ 2 bên, không có bản án của tòa xác nhận chủ nợ thì không thụ lý đơn mở thủ tục phá sản. Vì đây là việc rất dễ gây mất uy tín cho doanh nghiệp nếu thông tin được lan truyền ra, đặc biệt với các doanh nghiệp bắt buộc phải yêu cầu công bố thông tin đại chúng" - luật sư Trần Đình Dũng phân tích.
Một thập kỷ đa ngành và cái kết "đắng"
Niêm yết trên sàn chứng khoán từ rất sớm (2010), DLG vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai. Thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của DN từng lên gần 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn trước khi bắt đầu rơi vào vòng xoáy thua lỗ, DLG đã có 1 hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, sở hữu thuỷ điện Păk Pô Cô, khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Tp.HCM, 51% cổ phần công ty cà phê Gia Lai và 51% cổ phần công ty chè Biển Hồ. Công ty cũng kinh doanh gỗ, đá, nông sản, phân bón, bến xe khách.
Đáng chú ý, DLG liên tục "xoay trục”, mảng đem lại doanh thu chính liên tục thay đổi. Đến nay mảng linh kiện điện tử đang là “trụ cột” chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn và Trung Quốc.
Xếp thứ hai về tỷ trọng đóng góp cho doanh thu là mảng thu phí BOT với khoảng 26-27% tổng doanh thu hàng năm. Được biết, DLG đang quản lý 4 trạm thu phí trên tuyến QL14.
Ngoài ra, đón đầu xu thế năng lượng tái tạo, DLG còn đang và tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện ở Gia Lai với tổng công suất gần 4.000MW. Trong đó, chỉ 600 MW đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII, số còn lại hơn 2.500MW đang chở bổ sung quy hoạch Chính phủ.
Đầu tư phân tán, áp lực chi phí DLG cao, trước khi lỗ vào năm 2019 thì chỉ số sinh lời ROA chưa đến 1%. Chỉ số ROE thậm chí chỉ đạt 0,23 trong năm 2018. Liên tục thua lỗ, tính đến 30/6/2023, DLG đang lỗ luỹ kế hơn 2.041 tỷ đồng, đã gần "ăn hết" vốn chủ sở hữu.
Sau thông tin về quyết định của Tòa án, sáng 13/10, cổ phiếu DLG đã giảm sàn xuống 2.420 đồng, lượng dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị.