Bốn lần gọi thầu vàng, 3 lần hủy: Mục tiêu 'hạ nhiệt' thị trường thất bại?

Ngân hàng Nhà nước 4 lần gọi thầu nhưng đến 3 lần huỷ (đấu thầu vàng) và 1 lần đấu “ế”. Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu "hạ nhiệt" thị trường vàng hoàn toàn thất bại khi giá vàng miếng SJC ngày càng cao. Nếu không thay đổi cách thức đấu thầu vàng và sửa Nghị định 24 khó kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển
Chuyên gia Đinh Thế Hiển
45 bài viết
Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nghịch lý thừa tiền. Trạng thái tín dụng đang khó mà bây giờ bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ vừa làm khó các ngân hàng vừa làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại
Tại: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Chuyên gia đề xuất gì?
Từ giờ đến cuối năm, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng bởi so sánh đây vẫn là kênh “tạm” có lợi hơn cả
Tại: Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: 'Thúc' dòng tiền đi vào lưu thông

Giá vàng lập đỉnh mới

Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá 82,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu tiếp tục bị hủy. Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị.

Bốn lần gọi thầu vàng, 3 lần hủy: Mục tiêu 'hạ nhiệt' thị trường thất bại?- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC lại lập kỷ lục mới. Ảnh: Như Ý

Sau thông báo huỷ thầu lần 3, giá vàng miếng SJC tăng mạnh lên mốc lịch sử. Vào lúc 12h ngày 3/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng cao hơn tới 700.000 đồng/lượng so với hôm trước. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay. Đấu thầu vàng miếng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với kỳ vọng tăng cung, qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới. Tuy nhiên, liên tiếp huỷ thầu và 1 lần đấu “ế” khiến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế trong ngắn hạn cũng bị thách thức. Hai tuần gần đây, giá vàng miếng trong nước tái diễn tình trạng diễn biến ngược chiều so với giá vàng thế giới.

Trong khi giá vàng thế giới 24 giờ qua trong xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại xác lập kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng.

Phải sửa Nghị định 24

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại mức giá này được các doanh nghiệp cho là vẫn còn cao.

Theo ông Khánh, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài phải sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới. “Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung”, ông Khánh cho hay.

Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song không thấp hơn đáng kể (so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu). Ông Hiển cũng cho rằng, phải sửa gấp Nghị định 24 bởi từ khi ra đời, hơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá vàng quốc tế. Theo đó, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên toàn quốc…