Buồn của GM: Bất ngờ 'khai tử' 1 mẫu xe sau 60 năm, đã bán được 10 triệu chiếc trên toàn cầu để nhường chỗ cho xe điện

Giám đốc điều hành GM Mary Barra đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực.

Sau khi bán được hơn 10 triệu chiếc xe Chevy Malibu trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ, GM bất ngờ tuyên bố ngừng sản xuất vào tháng 11. Quyết định nhằm mục đích đẩy mạnh dòng xe điện Chevrolet Bolt tại nhà máy ở Kansas City sau khoản đầu tư trị giá khoảng 390 triệu USD.

Công cuộc trang bị lại nhà máy ở Kansas nằm trong kế hoạch đặt cược của GM vào xe điện - động lực chính thúc đẩy công ty trong những năm gần đây. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Mary Barra, GM tập trung toàn lực vào xe điện, phần lớn bỏ qua các mẫu xe hybrid.

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong sản xuất, trở ngại kỹ thuật và gần đây là nhu cầu xe điện yếu hơn dự kiến đã khiến GM phải đau đầu. Hãng này cũng từng sản xuất 9 thế hệ Malibu song lại gặp khó khăn trong việc biến nó trở thành xu hướng những năm gần đây.

Tháng trước GM cho biết họ đang trên đà sản xuất 200.000 đến 300.000 xe điện ở Bắc Mỹ trong năm nay. Hãng sẽ tạm dừng sản xuất Cadillac XT4 - một mẫu xe chạy bằng khí đốt tại nhà máy Kansas sau tháng 1/2025.

Sự ra đi của dòng xe Malibu khiến Corvette trở thành mẫu Chevrolet chạy xăng cuối cùng. GM công bố năm ngoái rằng sẽ ngừng sản xuất Camaro vào năm 2024.

Theo WSJ, Malibu đã trở nên lỗi thời trong nhiều thập kỷ. Trước đó, sau khi cho ra mắt vào năm 1964, GM đã loại bỏ Malibu vào đầu những năm 1980, một phần để tập trung vào thị trường xe tải.

Đầu những năm 2000, Malibu một lần nữa được cải tiến để quay trở lại. Đại diện hãng xe cho biết phiên biên mới mang lại trải nghiệm tốt hơn trong khi nội thất bên trong gợi khách hàng nhớ đến phong cách Mỹ những năm 1960. Bản làm lại đã nhận được nhiều lời khen.

Tổng cộng, GM đã sản xuất 9 thế hệ Malibu. Những chiếc xe hơi lâu đời này đã trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng và xuất hiện trong loạt các bộ phim như “Pulp Fiction” và “Repo Man”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công ty đã phải vật lộn với Malibu do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang crossover và xe thể thao đa dụng.

GM là một trong những nhà sản xuất ô tô đầu tiên giới thiệu plug-in hybrid khi ra mắt Chevrolet Volt vào năm 2010. Đây được tôn vinh như một thành tựu kỹ thuật, thu hút một lượng lớn fan hâm mộ trung thành, song lại thua lỗ và không thể đạt mục tiêu bán hàng. Năm 2019, Chevrolet Volt bị ngừng sản xuất và cho đến tận thời điểm hiện tại mới quay trở lại ‘đường đua’.

Trước đó, một số đại lý có tầm ảnh hưởng đã ép General Motors giới thiệu thêm các mẫu xe hybrid do lo ngại mất đi những khách hàng chưa sẵn sàng chuyển sang sử dụng ô tô chạy hoàn toàn bằng điện. GM trong khi đó lại chỉ chủ yếu tập trung vào xe điện trong những năm gần đây và bỏ qua phần lớn các dòng xe hybrid.

Buồn của GM: Bất ngờ 'khai tử' 1 mẫu xe sau 60 năm, đã bán được 10 triệu chiếc trên toàn cầu để nhường chỗ cho xe điện- Ảnh 1.

Theo các đại lý, ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm sản phẩm trung gian giữa ô tô xăng thông thường và xe điện. Các giám đốc điều hành GM đã ghi nhận ý kiến của phía đại lý song chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào đối với dòng xe hybrid trong tương lai.

Động thái trên cho thấy một khía cạnh áp lực khác mà Giám đốc điều hành GM Mary Barra đang phải đối mặt. Việc dấn thân sang xe hybrid đồng nghĩa với việc GM phải đảo ngược chiến lược bởi không giống như nhiều đối thủ của mình, tập đoàn này chỉ tập trung toàn lực vào xe điện và phần lớn đứng ngoài thị trường xe hybrid.

“Tôi vẫn tin rằng bạn muốn chuyển sang xe điện nhanh nhất có thể. Chúng tôi có công nghệ và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét thị trường”, bà Mary Barra nói.

Trao đổi với báo giới, ông Simon Humphries, quản lý cấp cao tại Trung tâm Phát triển ô tô Toyota, cho rằng ô tô điện chạy bằng pin vô cùng quan trọng, song không phải giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Tập đoàn này cũng đang duy trì dòng sản phẩm hybrid một phần vì quan ngại tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu pin và cơ sở hạ tầng trạm sạc trong ít nhất một thập kỷ tới. “Chúng ta cần sử dụng tư duy hệ thống”, Gill Pratt, nhà khoa học chính của Toyota, nói. “Pin nên được đặt ở nơi chúng hoạt động tốt nhất”.

GM những năm gần đây phải đối mặt với tình trạng tồn kho ngày càng tăng còn doanh số bán hàng chậm lại. Chính CEO Barra cũng đã lên tiếng về sự bất ổn của thị trường ô tô điện, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng khả năng tồn tại của những phương tiện này khiến chiến lược điện khí hóa trị giá hàng tỷ USD của hãng gặp rủi ro.

“Khi chúng tôi tiến sâu hơn vào quá trình chuyển đổi sang xe điện, mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ”, bà nói.

Lời thừa nhận có phần gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư, song GM không đơn độc trong suy nghĩ mờ mịt về tương lai xe điện. Ngay cả Elon Musk của Tesla cũng cảnh báo trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh gần đây rằng những lo ngại về kinh tế sẽ dẫn đến nhu cầu về phương tiện đi lại suy giảm, ngay cả đối với công ty dẫn đầu thị trường xe điện lâu năm.

“Đây là một môi trường khá tàn bạo”, CFO Harald Wilhelm nói trong một cuộc gọi của nhà phân tích. “Tôi khó có thể tưởng tượng được tình trạng hiện tại là hoàn toàn bền vững cho tất cả mọi người”.

Theo: WSJ, BI