Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Vật liệu Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Sinoma, các đơn vị thành viên VICEM.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng giám đốc VICEM Lê Hữu Hà cho biết, các dây chuyền nghiền than trong những năm gần đây nguồn cung than thô cho các nhà máy có sự biến động mạnh, các máy nghiền than chủ yếu được thiết kế đốt than cám nhóm 3, tuy nhiên phải sử dụng than cám nhóm 4, 5, than nhập khẩu. Việc thay đổi mạnh về phẩm cấp than đầu vào theo chiều hướng khó nghiền hơn, đã dẫn tới các dây chuyền nghiền than gặp nhiều áp lực, năng suất giảm, tiêu hao điện tăng, thời gian hoạt động phải kéo dài hơn trước để đáp ứng đủ than mịn cho hệ thống lò đã ảnh hướng đến việc duy trì khả năng làm việc ở trạng thái tốt nhất của thiết bị.
Dây chuyền nghiền của các đơn vị hầu hết khả năng làm mát sau khi phân ly chưa tốt, các dây chuyền phía Bắc thường gặp các hiện tượng nhiệt độ xi măng cao gây mất nước thạch cao, đặc biệt vào mùa hè.
Máy nghiền sơ bộ CKP xuống cấp, nhiều thời điểm hoạt động chưa hiệu quả, với các dây chuyền nghiền bi không có tiền nghiền, năng lực nghiền phụ thuộc nhiều vào đặc tính và vật liệu nghiền như kích thước, độ ẩm,…Vách ngăn thường xuyên bị dắt bám nguyên liệu nghiền, ảnh hưởng thông gió máy nghiền. Một số dây chuyền có phân ly thuộc thế hệ rất cũ. hiệu suất kém ảnh hưởng đến năng suất và khó kiểm soát dải cỡ hạt tối ưu của xi măng.
Sau nhiều năm hoạt động, các dây chuyền đều trong tình trạng thiết bị xuống cấp cần được sửa chữa, cải tạo chiều sâu, nâng cấp công nghệ - thiết bị. Đồng thời để theo kịp xu hướng nghiền tiên tiến, hiện đại, các dây chuyền nghiền cần được ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ như số hóa thiết bị giám sát, chẩn đoán từ xa.
Trong những năm qua VICEM đã nghiên cứu cải tiến nâng cấp công nghệ sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu trong sản xuất, tăng cường tro xỉ, thạch cao nâng cao chất lượng sản phẩm. Bám sát các mục tiêu của Chính phủ về Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, theo Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 và nội dung đề án Tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 - 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 868/QĐ-BXD ngày 22/10/2019. Trong nội dung tái cơ cấu về công nghệ sản xuất đã nhấn mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ nghiền tiên tiến như hệ thống cán ép nghiền xi măng, máy nghiền bi, máy nghiền đứng, cải tiến các thiết bị phân ly, bụi để tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải ra môi trường
Chương trình sửa chữa cải tạo chiều sâu trong các dây chuyền sản xuất clanhke tại một số đơn vị thành viên, kết quả thực tế cho đến nay cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra, về năng suất thiết bị tiêu hao năng lượng đã cải thiện rõ nét sử dụng đa nhiên liệu nguyên liệu cải thiện môi trường đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Để tiếp tục hiện thực hóa các nội dung về cải tạo cơ cấu kỹ thuật công nghệ, trước những vấn đề được đặt ra về thực trạng thiết bị công nghệ dây chuyền nghiền của các đơn thành viên, cũng như yêu cầu sử dụng nguyên nhiên liệu đầu vào hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm thiết kế hệ thống nên Hội thảo là dịp các Công ty cùng nhau trao đổi, thỏa thuận lựa chọn những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới phù hợp, tối ưu nhất, áp dụng công nghệ tại mỗi dây chuyền nghiền của đơn vị
Theo báo cáo của Hội nghị, VICEM có 16 dây chuyền nghiền liệu được đầu tư vào các thời điểm khác nhau, trong đó chủ yếu là máy nghiền con lăn; gồm 12/16 chiếm 75% có 4/16 là nghiền bi chiếm 25%. Các dây chuyền nghiền nhìn chung đáp ứng nhu cầu sản xuất bột liệu cho các nhà máy, đạt năng suất thưc tế, vượt năng suất thiết kế, tiêu hao điện, tiêu hao vật liệu chịu mài mòn về cơ bản đạt định mức cơ bản của VICEM. Một số dây chuyền có mức tiêu thụ điện năng thấp như xi măng Bỉm Sơn máy 2, 3; Tam Điệp… Tuy nhiên còn một số dây chuyền là nghiền bi tiêu hao điện cao như xi măng Hoàng Thạch 1,2,3 ; Bình Phước, một số dây chuyền do tuổi đời cao, công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu nên tiêu hao năng lượng rất cao như xi măng Kiên Lương 1.
Hầu hết các dây chuyền nghiền của VICEM đều có tuổi đời hoạt động trên 10 năm, công nghệ dần lạc hậu theo thời gian, thiết bị xuống cấp, nên trong những năm gần đây, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì tăng.
Do đó, một số nhà máy đã thực hiện giải pháp như, pháp thay thế phân ly hiệu suất cao cho máy nghiền than Hoàng Thạch 1; cải tạo vành phun, cải tạo rotor phân ly, làm kín hệ thống vận chuyển than mịn máy nghiền than Hoàng Thạch 2,3; thay thế tấm lót thiết kế mới có hiệu suất làm việc cao cho các máy nghiền liệu Hoàng Thạch 2,3 giúp tăng năng suất bình quân từ 275t/h lên 315t/h giảm tiêu hao điện năng; cải tạo máy nghiền liệu Bút Sơn 1; thay đổi vị trí cấp liệu, thay phân ly, thay đổi kiểu van cấp liệu, cải tạo vành phun…
Các giải pháp đã giúp nâng năng suất, giảm tiêu hao điện, giảm chi phí sửa chữa…Tuy nhiên, so với các hệ thống nghiền tiên tiến, hiện đại hiện nay của thế giới thì mức tiêu thụ điện của các dây chuyền nghiền vẫn còn cao, cần tiếp tục được cải tạo chiều sâu, nâng cấp công nghệ thiết bị.
Tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Phát triển công nghiệp Xi măng Thiên Tân (Sinoma) đã giới thiệu về công nghệ và thiết bị để cải tạo nâng cấp hệ thống nghiền trong nhà máy xi măng. Những ưu điểm về kỹ thuật của máy cán trục TRP, hệ phân ly hỗn hợp hỗ trợ kiểm soát độ mịn đảm bảo khả năng nung của bột liệu, hiệu suất phân tách bột lớn, hàm lượng bột mịn lẫn trong liệu thô thấp, đảm bảo máy cán trục hoạt động ổn định và hiệu quả, thiết kế nhỏ, chi phí thi công xây dựng thấp. Về công nghệ cải tạo hệ thống nghiền liệu, hệ thống nghiền xi măng giúp giảm tiêu hao điện năng. Cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng qua công nghệ nung luyện mới.
Tại Hội thảo, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh đánh giá cao những nỗ lực của khối Kỹ thuật toàn Tổng Công ty trong việc thực hiện chương trình đổi mới nghiên cứu sáng tạo trong thời gian qua. Trong những năm tiếp theo, VICEM cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng cải tạo các dây chuyền sản xuất theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp để sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu phẩm cấp thấp, nguyên nhiên liệu thay thế, cụ thể: Đẩy mạnh sửa chữa, cải tạo tối ưu hóa năng suất dây chuyền hiện có kết hợp với các dự án đầu tư nâng cao năng lực nghiền tại các đơn vị thành viên.
Nghiên cứu từng bước đầu tư thay thế thiết bị, kết hợp nâng công suất một số dây chuyền nghiền hiện tại, hiện đại hóa công nghệ - thiết bị nghiền, theo kịp mức độ tiên tiến của thế giới.
Giảm tiêu thụ điện năng giảm tiêu hao nguyên vật liệu thiên nhiên, thích ứng linh hoạt với sự biến động của nguyên liệu đầu vào, sử dụng tốt các nguyên liệu thay thế như bùn thải, phế thải của các ngành công nghiệp khác, tro, xỉ và sử dụng đa dạng nhuồn than như than phẩm cấp thấp, than nhập khẩu,…
Các dây chuyền nghiền phải được áp dụng áp dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học 4.0, sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí sửa chữa bảo trì. Đồng thời, sử dụng tối đa các dịch vụ kỹ thuật, vật tư phụ tùng thiết bị trong nước, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Hướng tới mục tiêu chung của VICEM về nâng cao công suất thiết bị, tiết giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiện quả tài nguyên, sản xuất hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao vị thế hệ thống của VICEM trong nước khu vực và trên thế giới .