Cô gái 'tay ngang' tiết lộ bí kíp đầu tư đất ven biển người mới đầu tư không thể bỏ qua

Đầu tư đất ven biển cần biết có khu vực resort bị xâm thực thậm chí có người mua đất biển vài năm sau quay lại chỉ còn mấy gốc dừa... Làng chài nào đông dân ở, tồn tại lâu năm, tránh được gió bão khắc nghiệt có thể chọn mua.

Đất nền mặt biển, hay đất nền ven biển vẫn luôn là phân khúc đầu tư giàu tiềm năng trong dài hạn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu an cư, phân khúc này còn có tính thanh khoản cao, mang lại giá trị sinh lời hấp dẫn.

Chính vì thế, có những người mua đất ven biển để đầu tư, có người mua để dành, có người mua xong xây luôn làm căn nhà thứ hai hoặc cũng có người đã lựa chọn bỏ phố về biển sinh sống...

Tuy nhiên, với những người muốn mua đất ven biển để làm căn nhà thứ hai hay những nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì những kinh nghiệm của những người đi trước để có thể lựa chọn một mảnh đất ưng ý, tránh rủi ro vô cùng quan trọng.

Cô gái tay ngang tiết lộ bí kíp đầu tư đất ven biển người mới đầu tư không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Kinh nghiệm ‘dắt túi’, không thể bỏ qua cho người muốn mua đất ven biển để làm căn nhà thứ hai hay đầu tư đó là quy hoạch, khí hậu, xâm thực, vị trí, giao thông, loại đất....

Yếu tố tiên quyết khi mua đất ven biển

Là một nhà đầu tư tay ngang, đang sở hữu nhiều bất động sản, trong đó có đất mặt biển, chị Ngô Hiền - một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội chia sẻ với Infonet một số kinh nghiệm cá nhân khi mua đất ven biển.

Chị Hiền cho hay, do bị viêm xoang, đau khớp nên chị không phù hợp với khí hậu ở Hà Nội. Mục đích chị mua mảnh đất mặt biển để sau này về hưu sẽ xây một căn nhà nghỉ dưỡng và cũng là tài sản để dành cho các con sau này.

Theo chị Hiền, sông, hồ, ao có thể đào nhưng biển thì không thể. Việt Nam là nước có đường biển kéo dài, tuy nhiên để chọn được mảnh đất mặt biển ưng ý để ở là điều không dễ. Vì thế, quỹ đất mặt biển cũng giống như đất quận 1 (TP.HCM) hay đất quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tức là đất không sinh thêm ra và luôn giữ được giá trị.

Khi chọn mua đất biển với bất cứ mục đích nào, nhà đầu tư đều cần phải chú ý đến hàng loạt vấn đề như quy hoạch, vị trí, giao thông, khí hậu, gió bão, môi trường, xâm thực, dân cư, dịch vụ tiện ích…

Tiêu chí ưu tiên khi chọn mua đất biển, chị Hiền chọn vị trí đất mặt biển. Khu đất mở cửa ra là thấy biển, bước vài bước chân là ra bãi cát và không có ai chắn view... Với vị trí đắc địa này thì giá trị đất cũng hơn nhiều các lô đất bên trong. Chỉ từ lô đất thứ 2 trở đi, không nhìn thấy biển trực tiếp, chỉ có thể xây nhà cao lên mới thấy biển thì giá trị đã giảm rất nhiều, có thể giá chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với lô đất mặt biển.

Tuy nhiên, khi chọn mua đất mặt biển thì vấn đề xâm thực phải đặc biệt chú ý.

Đi du lịch nhiều ở Hội An, nhất là biển Cửa Đại, chị Hiền thấy nhiều khu vực resort bị xâm thực. Thậm chí, có người mua đất biển vài năm sau quay lại chỉ còn mấy gốc dừa...

Do đó, để tránh việc xâm thực, khi chọn đất biển chị Hiền thường chọn khu vực biển nằm trong vịnh, sẽ đỡ bị xâm thực mà sóng lại êm, an toàn. Nếu để ý quan sát, sẽ thấy làng chài nào đông dân ở, tồn tại lâu năm tức là khu vực đó biển khá lành, tránh được gió bão và có thể chọn mua.

“Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang là các thành phố du lịch có sân bay quốc tế, lượng khách du lịch rất đông, dịch vụ đầy đủ và giá đã rất cao nên để sở hữu đất mặt biển ở đây là vô cùng khó khăn. Khu vực từ Huế đổ vào miền Bắc biển vẫn có mùa Đông, một năm mất 5,6 tháng không tắm biển được nên việc đến nghỉ ngơi hoặc khai thác du lịch cho thuê làm homestay cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Khi mua đất biển, tôi cũng rất thích khu vực Phú Yên, Khánh Hòa vì khu vực này biển đẹp, gần sân bay, thuận tiện di chuyển từ Hà Nội, Sài Gòn vào. Đất biển từ Phú Yên đến Bình Thuận là khu vực giá vẫn còn ở mức vừa phải. Đầu tư đất biển ở khu vực có lượng khách du lịch đến đông, khai thác được quanh năm thì giá trị đất sẽ tăng ...”, chị Hiền chia sẻ kinh nghiệm chọn đất từ thực tế.

Đặc biệt lưu tâm đến loại đất

Đất ven biển có nhiều loại, từ đất rừng sản xuất, đất cây hàng năm, đất cây lâu năm đến đất ở nông thôn, đất ở đô thị ... Vì thế, khi chọn mua đất biển cần đặc biệt quan tâm đến loại đất để tránh rủi ro.

Chị Hiền cho hay, có nhiều nơi rao bán đất mặt biển giá khá rẻ, chỉ 1-3 triệu đồng/m2 nhưng thường là đất rừng sản xuất hoặc là đất cây hàng năm, cây lâu năm. Những khu đất này không nằm trong khu dân cư ổn định, có thời hạn sử dụng và không được phép xây dựng nhà ở, do đó vẫn có khả năng bị thay đổi mục đích sử dụng do Nhà nước lấy để làm các công trình công cộng hoặc có thể làm các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Do đó, các cá nhân muốn mua đất để làm căn nhà thứ hai bên biển sẽ không chọn mua loại đất này mà thường ưu tiên chọn đất thổ cư trong làng chài bám biển lâu năm sẽ ổn định hơn.

“Tuy nhiên, cũng có khu vực đất ở nhưng vẫn dính quy hoạch. Vì thế, khi mua cần kiểm tra pháp lý, quy hoạch thật kỹ, cũng như kiểm tra xem khu vực đó có được phép xây dựng nhà ở hay không”, chị Hiền lưu ý.

Chia sẻ thêm về giá đất, chị Hiền cho hay, có những khu vực giá đất mặt biển còn khá mềm như Nam Hội An, Quảng Ngãi... nhưng vùng biển đó thường xuyên bị gió bão nên nhiều người chưa quan tâm lựa chọn. Khu vực Phú Yên đến Bình Thuận được săn đón nhiều hơn do biển đẹp và thuận lợi về khí hậu nên giá đất cũng tăng khá nhanh trong thời gian qua.

“Đất ven biển có nhiều nhưng đất mặt biển hiện nay khá hiếm, đặc biệt là các lô đất ở phù hợp với quy hoạch tại các vùng biển đẹp, khí hậu tốt, ít gió bão, giao thông đi lại thuận tiện và có diện tích vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người”, chị Hiền chia sẻ thêm.

Trên thị trường hiện nay, đất mặt biển là đất ở hiện giá thấp nhất khoảng 15 triệu đồng/m2, tuy nhiên cũng có nơi rẻ hơn như ở Nam Hội An, Quảng Ngãi... chỉ 4-5 triệu đồng/m2 nhưng đó lại không phải là vùng biển được nhiều người ưa chuộng.

Đất mặt biển ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định có nơi giá lên đến 80 triệu đồng/m2. Đơn cử như đất ở làng chài Nhơn Hải (Bình Định) giao dịch giá 70-80 triệu đồng/m2; hay như ở Dốc Lết (Khánh Hòa) giá đất cũng tăng rất nhanh; có giai đoạn tăng từ 16-17 triệu đồng/m2 lên 25-40 triệu đồng/m2, tùy khu vực. Thậm chí, có rao bán lên đến 60 triệu đồng/m2.


Theo Minh Thư

Infonet