Công ty vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông lỗ nặng

Hiện cả nước duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đưa vào khai thác thương mại, bình quân vận chuyển khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Do chi phí vận hành vượt doanh thu bán vé, nên hiện công ty vận hành tuyến đường sắt này đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng.

Doanh thu từ bán vé gần 120 tỷ đồng

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2022, do Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội ( Hanoi Metro ) vận hành khai thác.

Hiện đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại, các dự án còn lại đang xây dựng đều dở dang, do chậm tiến độ và đội vốn (1 tuyến tại Hà Nội và 2 tuyến tại TPHCM).

Công ty vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông lỗ nặng - Ảnh 1.

Lượng khách sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng dần qua từng tháng (Ảnh: H.Việt).

Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy, sau 22 tháng khai thác thương mại (tính tới hết tháng 8), đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày. Trong đó, đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80% (doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng).

Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng. Trong đó, hai tháng cuối năm 2021 tuyến đường sắt này vận chuyển hơn 870.000 lượt khách, doanh thu hơn 5 tỷ đồng; năm 2022, lượng khách đi tàu tăng lên hơn 8,2 triệu lượt, doanh thu hơn 66 tỷ đồng; trong 8 tháng năm nay, vận chuyển hơn 6,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 48,3 tỷ đồng.

“Dù mạng lưới đường sắt chưa hoàn thiện, kết nối giao thông công cộng, phương tiện cá nhân còn hạn chế, tuy nhiên với ưu việt là loại hình vận tải thông suốt, an toàn, tiện nghi và thời gian đi lại nhanh, đúng giờ, kết quả khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy lượng khách và doanh thu đều tăng”, Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Thu không đủ bù chi

Theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm nay, công ty có tổng tài sản hơn 3.077 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 52 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), tất cả nợ này đều là nợ ngắn hạn. Do đó, công ty đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng (giảm 8 tỷ đồng so với đầu năm); lỗ sau thuế luỹ kế hơn 28 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch của của Hanoi Metro đạt hơn 254 tỷ đồng, thu từ hoạt động tài chính hơn 14 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vận hành (hơn 247 tỷ đồng) và chi phí quản lý (hơn 13 tỷ đồng), công ty có lãi 8,5 tỷ đồng.

Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 10,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 74 tỷ đồng. Riêng chi phí quỹ lương hơn 97 tỷ đồng, nên nếu xét riêng hoạt động chính công ty lỗ hơn 23,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với doanh thu từ các hoạt động khác và trợ giá từ ngân sách Hà Nội, mục tiêu doanh thu tổng cả năm nay của Hanoi Metro đặt ra khoảng 519 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 5,9 tỷ đồng.

Hanoi Metro chính thức hoạt động từ tháng 6/2015, do UBND TP.Hà Nội nắm giữ 100% vốn. Tính tới cuối năm 2022, công ty sử dụng 667 lao động, tổng quỹ lương hơn 75 tỷ đồng.

Hiện tàu Cát Linh - Hà Đông có 3 loại vé, gồm vé lượt, vé ngày và vé tháng, giá vé đã được ngân sách Hà Nội hỗ trợ. Trong đó, vé lượt có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt (tuỳ độ dài quảng đường di chuyển); vé ngày có giá 3.000 đồng/vé/ngày.

Riêng vé tháng chia làm 3 loại, loại 100.000 đồng/vé/tháng áp dụng cho học sinh, sinh viên, công nhân; giá vé 140.000 đồng/vé/tháng áp dụng cho vé tháng tập thể từ 30 người trở lên; và giá vé 200.000 đồng/vé/tháng áp dụng cho những khách hàng còn lại (không ưu tiên).

Khách là trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo được miễn phí khi đi tàu.