Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp về việc góp ý dự thảo Nghị định Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đây là chính sách rất quan trọng đã được quy định tại Luật Đất đai 2024 để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất thuộc trường hợp được tái định cư là cần xây dựng cơ chế giải quyết thật thỏa đáng, hợp tình hợp lý, công bằng giữa các đối tượng được tái định cư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cũng phải được áp dụng chính sách tương đồng với chính sách áp dụng đối với trường hợp người tái định cư tại các dự án xây dựng lại nhà chung cư.
Theo ông Châu, cũng là đối tượng tái định cư, nhưng người tái định cư thuộc các dự án xây dựng lại nhà chung cư (áp dụng đối với nhà chung cư xây dựng từ năm 1994 trở về trước) được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi theo quy định Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023.
Theo đó, người tái định cư thuộc các dự án xây dựng lại nhà chung cư được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc nơi ở khác trong tòa nhà chung cư mới trên địa bàn của phường, quận đó hoặc quận lân cận với căn hộ tái định cư mới thường có diện tích lớn hơn, chất lượng tốt hơn và được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và không phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nên những người tái định cư thuộc các dự án xây dựng lại nhà chung cư sẽ có môi trường sống ít bị xáo trộn và có thể có sinh kế tốt hơn trước.
Do vậy, với quy định suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư theo quy định của UBND cấp tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương là rất phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, ví dụ như TPHCM đã quy định “suất tái định cư tối thiểu” là căn hộ có diện tích 30m2.
Đề nghị không thu tiền đầu tư hạ tầng khu tái định cư
Cũng là đối tượng tái định cư, nhưng Hiệp hội được biết trên thực tế trong thời gian qua đã có một vài địa phương như tại thành phố P. thuộc tỉnh K. đã quy định thu thêm tiền hạ tầng khu tái định cư đối với người tái định cư thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, không phải là dự án xây dựng lại nhà chung cư, với mức thu thêm khoảng 3 triệu đồng/m2, nên người tái định cư nếu được “bồi thường (hoán đổi)” nền nhà 100 m2 thì phải đóng thêm khoảng 300 triệu đồng.
Hoặc trường hợp tương tự tại tỉnh N. đã thu thêm tiền hạ tầng đối với người tái định cư với mức thu khoảng 7 triệu đồng/m2, nên người tái định cư nếu được “bồi thường” nền nhà 100 m2 thì phải đóng thêm khoảng 700 triệu đồng, mặc dù những người tái định cư này bị đảo lộn môi trường sống và sinh kế.
Đáng quan tâm nhất là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà những người tái định cư này phải rời bỏ môi trường sống quen thuộc, hợp với tập tục, truyền thống để vào sống trong khu tái định cư khác biệt hẳn với nơi ở cũ, nhất là vấn đề cuộc sống, sinh kế mà nếu thu thêm tiền hạ tầng khu tái định cư thì không hợp tình hợp lý.
Do đó, Hiệp hội rất hoan nghênh Điều 28 dự thảo Nghị định đã quy định suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền, mà nền nhà hoặc nhà ở trong khu tái định cư đã bao gồm đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có nghĩa là địa phương không được tự ý thu thêm tiền hạ tầng khu tái định cư .
Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị bổ sung vào Điều 28 dự thảo Nghị định quy định "không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư đối với người tái định cư đã được giao đất ở tái định cư theo phương án bồi thường , hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt" để những người tái định cư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án không phải là dự án xây dựng lại nhà chung cư yên tâm và chính quyền các địa phương dễ thực thi chính sách, pháp luật thống nhất trong cả nước.