Đề nghị Viện Pasteur Paris hợp tác triển khai chiến lược nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine

(Chinhphu.vn) – Tiếp Chủ tịch Viện Pasteur Paris, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Viện Pasteur Paris hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong triển khai chiến lược mang tính nền tảng về nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine nhằm kịp thời ứng phó với các loại dịch bệnh mới.

Chiều ngày 26/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp GS. Stewart Cole, Chủ tịch Viện Pasteur Paris đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định y tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống tốt đẹp, một trong những điểm sáng góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp ngày càng phát triển; Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác y tế với Pháp nói chung và với Viện Pasteur nói riêng, góp phần đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn nữa.

Thủ tướng cảm ơn phía Pháp đã luôn quan tâm hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực ngành y, trong đó Chương trình bác sĩ nội trú Pháp ngữ đã tiếp nhận hơn 3.000 bác sĩ Việt Nam đến thực tập tại các bệnh viện của Pháp; cũng như hỗ trợ vaccine và thiết bị y tế phòng chống COVID-19 thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác lịch sử giữa Viện Pasteur Pháp với các Viện Pasteur tại Việt Nam được xem là biểu tượng và cũng là điểm nhấn trong hợp tác y tế giữa hai nước. Thủ tướng cảm ơn Viện Pasteur đã dành những hỗ trợ quý báu cho các Viện Pasteur của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là khoản viện trợ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 với tổng mức đầu tư khoảng 10,7 tỷ đồng (405.000 Euro). Các Viện Pasteur tại Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các ngành dịch tễ học, y tế công công và y học nhiệt đới của Việt Nam.

Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương với các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng đề nghị Viện Pasteur tại Paris và Mạng lưới các Viện Pasteur tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu y học, đặc biệt là về COVID-19 và các vấn đề hậu COVID-19, cũng như các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, trong đó đề nghị phía Pháp cấp thêm học bổng đào tạo tiến sĩ/sau tiến sĩ với Việt Nam và đào tạo cán bộ quản lý ngành y theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại hơn; thúc đẩy chuyển đổi số trong y khoa, khám chữa bệnh tại vùng sâu vùng xa qua hệ thống trực tuyến; khai thác, phát triển các cây dược liệu, nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh; hợp tác về trang thiết bị y tế...

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, có dân số đông, đang phát triển, Thủ tướng đề nghị Viện Pasteur Paris hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong triển khai chiến lược mang tính nền tảng về nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhằm kịp thời ứng phó các vấn đề phát sinh khi xuất hiện các loại dịch bệnh mới, không bị động, lúng túng, bất ngờ; coi đây là một trụ cột trong hợp tác giữa hai bên, với sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

GS. Stewart Cole cho biết Việt Nam có vị trí đặc biệt đối với những người làm công tác dịch tễ tại Pháp và với Viện Pasteur Paris, bởi không có quốc gia nào trên thế giới có tới 3 Viện Pasteur như Việt Nam, kể cả Pháp, và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng là Viện Pasteur đầu tiên được thành lập ở nước ngoài (năm 1891); đánh giá các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua là rất quan trọng và hiệu quả, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai Chính phủ.

Nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng, trong đó đánh giá cao tầm nhìn, quan điểm của Thủ tướng về chiến lược vaccine để chuẩn bị cho các tình huống tương lai, GS. Stewart Cole khẳng định Viện Pasteur Paris mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nhất là trao đổi, đào tạo nhân lực, thực hiện các công trình nghiên cứu chung, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực vaccine, quản lý khủng hoảng y tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác y tế giữa hai bên ngày càng hiệu quả, thực chất, phục vụ đời sống và sức khỏe người dân.

Trong đó, GS. Stewart Cole cho rằng, các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để hợp tác với phía Pháp tiến hành và đăng tải các nghiên cứu về COVID-19 trên các tạp chí uy tín./.

Hà Văn