Đề xuất 2 phương án gỡ vướng
Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban QLDA) vừa đề xuất UBND TP Hà Nội giải pháp thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT để khai thác hiệu quả sau đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai.
Theo đó, Ban QLDA đề nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng liên ngành làm việc với nhà đầu tư Dự án BT yêu cầu triển khai dự án đảm bảo đồng bộ, kết nối kịp thời với Dự án hầm chui đường 2,5.
Trong trường hợp nhà đầu tư không đủ các điều kiện, thủ tục pháp lý dẫn đến không thể tổ chức thi công được Dự án BT, Ban QLDA kiến nghị UBND TP Hà Nội thực hiện 2 phương án.
Phương án 1 sẽ cho phép điều chuyển đoạn tuyến chưa triển khai thi công của Dự án BT sang Dự án hầm chui đường 2,5 (đoạn tuyến này có chiều dài khoảng 350m từ cọc H6 của Dự án BT về phía Đầm Hồng).
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai (Dự án hầm chui vành đai 2,5) được khởi công ngày 6/10/2022, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025. Theo thiết kế được duyệt, Dự án hầm chui đường 2,5 sau khi hoàn thành sẽ hình thành nút giao thông khác mức trên đường Giải Phóng, kết nối phố Kim Đồng với đường vành đai 2,5 đoạn từ QL1A cũ đến Đầm Hồng.
Nếu lựa chọn phương án này, thuận lợi lớn nhất là công tác GPMB đã hoàn thành, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến này để kết nối hầm chui đường 2,5 đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng, đồng bộ với tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, trên đoạn tuyến có cầu L3 qua sông Lừ nhà đầu tư đã xây dựng 2 trụ và lắp đặt nhịp dầm giữa từ lâu chưa thi công mố và 2 nhịp biên. Hiện nay, phần xây dựng này đã xuống cấp, cần phải xác định điểm dừng thi công, kiểm định đánh giá lại chất lượng dầm, trụ cầu đã thi công để có phương án xử lý.
Phương án 2, điều chuyển đoạn tuyến từ cọc H6 đến bờ trái sông Lừ của Dự án BT (chiều dài đoạn tuyến khoảng 200m).
Với phương án này, công tác GPMB đã hoàn thành, nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng trên đoạn tuyến này nên việc xác định điểm dừng của Dự án BT không phức tạp, khối lượng thực hiện nhỏ nên không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện của Dự án hầm chui đường 2,5.
Khó khăn khi không hoàn thiện được đoạn tuyến vành đai 2,5 từ QL1A cũ đến Đầm Hồng theo quy hoạch chỉ khắc phục được tình thế trước mắt mà không giải quyết được triệt để công tác kết nối giao thông trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra điểm đen ùn tắc giao thông khu vực cầu Định Công và đường hai bờ sông khu vực lân cận.
Đất dự án đối ứng đã bán bị yêu cầu thanh tra
Dự án đường vành đai 2,5 được TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức BT, chỉ định chủ đầu tư. Năm 2014, Sở GTVT Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh: Cty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội, Cty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà.
Theo đó, đoạn vành đai này dài khoảng 2km, được thiết kế chiều rộng 40m, vỉa hè rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013-2016.
Điều đáng nói, dự án đường vành đai 2,5 sau hơn 10 năm vẫn dở dang chưa hẹn ngày về đích nhưng dự án đối ứng là dự án Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công chủ đầu tư đã phân lô bán nền, huy động vốn khách hàng thông qua hình thức thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”… dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được giao đất... khiến nhà đầu tư bức xúc.
Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản gửi Thanh tra TP khẩn trương thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc xem xét thanh tra dự án đầu tư liên quan đối ứng (dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công mở rộng) cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5.
Trước đó, tháng 8/2023, sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5, Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kết luận tiến độ đầu tư dự án chậm, có nhiều đơn thư phức tạp liên quan đến việc triển khai dự án cần được xem xét, giải quyết thấu đáo.
Do đó, Phó chủ tịch TP giao Thanh tra TP Hà Nội xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhà đầu tư và liên quan đến dự án đối ứng dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A) và dự án đầu tư đối ứng liên quan.