Giá bất động sản không ngừng tăng: Giải mã nguyên nhân và những cảnh báo

Bất động sản được xem là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro khi lạm phát, tuy nhiên khả năng thanh khoản thấp.

Thiết lập mặt bằng giá mới

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, báo cáo thị trường quý 1/2022 của batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng đều cả về lượt quan tâm và lượt tin đăng bất động sản. Tình hình lạm phát đang trở thành mối lo ngại về giá bất động sản trong thời gian tới.

Sự chuyển động của thị trường được thể hiện rõ nét qua dữ liệu tin đăng (đại diện cho nguồn cung) và lượt quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) ở từng loại hình bất động sản cũng như từng khu vực trên cả nước.

Trong tháng 2, mức độ quan tâm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình với mức tăng trung bình 23% so với tháng 1. Tp.HCM và Hà Nội có mức tăng lần lượt là 29% và 22%.

Đáng chú ý, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng là 3 khu vực có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 41%, 35% và 32%. Hai thành phố lớn Tp.HCM và Hà Nội có mức tăng 18% và 8%.

Trong quý 1/2022, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng cao cả ở hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội, tập trung chính ở phân khúc bình dân.

Bất động sản - Giá bất động sản không ngừng tăng: Giải mã nguyên nhân và những cảnh báo

Tình hình lạm phát đang trở thành mối lo ngại về giá bất động sản trong thời gian tới. Ảnh minh họa từ Hà Nội Mới

Cụ thể, trong tháng 2, loại hình chung cư bình dân tại Tp.HCM và Hà Nội đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng mạnh 36% so với tháng 1, vượt xa lượt quan tâm của loại hình nhà riêng và đất đền. 

Giá chung cư Hà Nội trong tháng 2/2022 cũng đã tăng khoảng 4,4% so với tháng 12/2021. Trong khi đó, mặt bằng giá chung cư bình dân tại Hà Nội trong năm 2021 đã tăng trưởng 8%, đạt mức trung bình khoảng 23,5 triệu/m2. Giá chung cư cao cấp cũng tăng 5% lên 32,5 triệu/m2, còn căn hộ cao cấp tăng 3% lên 45,5 triệu/m2.

Và những nguyên nhân

Giá bất động sản liên tục tăng thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Theo Nhịp sống kinh tế, các chuyên gia cho rằng nguồn cung mới còn giới hạn trong khi nhu cầu vẫn rất cao. Do đó, các chủ đầu tư chủ động tận dụng tình trạng này, đẩy giá lên mặt bằng mới để đạt lợi ích cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như: tài chính, vật liệu xây dựng, lạm phát, đất…, tăng cũng góp phần đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng cao.

Số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn cho thấy đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc sàn giao dịch Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, đầu năm 2022, thị trường bất động sản đang tái mở cửa sau dịch Covid-19 và sôi động trở lại ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên, riêng phân khúc căn hộ Tp.HCM đang thiếu hụt sản phẩm sơ cấp chào bán, đẩy giá căn hộ tiếp tục leo thang.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng.

Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản... là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng. Với phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.

Theo các chuyên gia, ngay sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản sau thời gian dài bị nén lại đã bung ra.

Tuy nhiên, việc “thổi giá” gây sốt ảo có thể khiến thị trường gặp khó. Dịch bệnh khó cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản năm 2022. Dù dịch bệnh vẫn còn tăng mạnh trở lại tại nhiều tỉnh thành, nhưng vẫn sẽ khó xuất hiện tình trạng thị trường bất động sản “ngủ đông” như năm 2021.

Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản.

Một phân tích của Savills World Research đã chỉ ra lạm phát chi phí đẩy (lạm phát xảy ra do các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản. Đặc biệt, tại Việt Nam thời gian qua nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền, còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỉ lệ thấp hơn.

Zing dẫn lời Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Đào Vũ (Tổng hợp)