Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (19/9), giá vàng SJC trong nước được các doanh nghiệp niêm yết ở mức vượt mốc 69 triệu đồng/lượng. Tỷ giá USD tiếp tục tăng vượt 24.000 đồng/USD.

Vào lúc 8h15, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 68,35 - 69,05 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng qua. Giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 56,7 - 57,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng.

Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 1.

Vàng, tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng trong nước 68,4 - 69,25 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày hôm qua.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng SJC ở mức mua vào 68,4 triệu đồng, bán ra 69,08 triệu đồng/lượng, tăng 140.000 đồng/lượng. Nhẫn tròn 57,08- 57,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 270.000 đồng/lượng,

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.932 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với sáng qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng gần 54 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí.

Trên thị trường tiền tệ, ngày 19/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.046 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với sáng qua. Tỷ giá tham khảo tại sở giao dịch Ngân hàng nhà nước ở mức 23.400 - 25.198 đồng/USD mua vào - bán ra.

Vietcombank thông báo tăng 75 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với sáng qua ở mức 24.130 - 24.500 đồng/USD mua vào - bán ra. Tương tự, VietinBank và BIDV cũng tăng giá USD lên 24.100 - 24.200 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.500 - 24.520 đồng/USD ở chiều bán ra .

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, chung xu hướng với thị trường chính thức, giá USD tự do đang được mua - bán ở mức 24.250 - 24.350 đồng. Dù tăng mạnh, giá USD tại các ngân hàng vẫn thấp hơn với mức trần cho phép. Bên cạnh đó, giá bán USD can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì thấp hơn mức giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho thị trường trong trường hợp tỷ giá tăng nóng.

Liên quan đến việc điều hành tỷ giá, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước ngày 14/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vấn đề tỷ giá, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, với Ngân hàng Nhà nước, khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.

“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.