Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản

Theo số liệu của Vụ Quản lý ngoại hối, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm tương đương giá trị 10.000 căn hộ. Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở, dòng tiền này có thể sẽ chảy nhiều hơn, chính danh hơn vào lĩnh vực bất động sản.

Trong Luật Đất đai 2024, điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các quy định rõ ràng và cởi mở hơn này sẽ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Việt kiều, khuyến khích họ đầu tư, sở hữu một ngôi nhà hoặc ngôi nhà thứ hai trên quê hương mà không cần nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên hộ như trước đây.

Đồng thời, khi mở rộng đối tượng tham gia giao dịch nhà đất, luật mới cũng giúp thu hút nguồn vốn kiều hối – vốn ngày càng trở thành nguồn thu từ nước ngoài quan trọng của Việt Nam bên cạnh FDI.

Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, có 6,5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, trải dài khoảng 3 thế hệ, và hơn 20% trong số đã đến tuổi nghỉ hưu, có nhu cầu về Việt Nam. Với Việt kiều, nếu mua bất động sản để ở, ưu tiên đầu tiên của họ là vị trí gần họ hàng và gia đình, hoặc ở các tỉnh thành lớn nhưng vẫn có môi trường tự nhiên tốt cho sức khỏe để nghỉ dưỡng.

Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Chia sẻ về điều này, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cho rằng, nếu lượng kiều hối đổ vào bất động sản tăng vọt có thể gây tăng giá bất động sản và lệch mục tiêu phân bổ đầu tư theo ngành. Tuy nhiên, vốn kiều hối sẽ không đổ vào thị trường nhà ở Việt Nam mạnh mẽ ngay sau khi luật mới có hiệu lực, vì luôn có độ trễ nhất định từ luật đi vào thực tế và người ta cần thời gian để nghiên cứu, cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư. Trong dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư Việt kiều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp giúp thị trường có thêm dòng vốn mới, các hoạt động mua bán, đầu tư có thể sẽ sôi động hơn.

Vị này dẫn chứng, là nước đứng đầu thế giới về lượng kiều hối, Ấn Độ bắt đầu cấp thẻ cư trú kiều bào (Overseas Citizenship of India hay OCI) cho người gốc Ấn từ năm 2006. Khi được cấp, chủ thẻ sẽ được nhập cảnh trọn đời, được tự do mua bán bất động sản (trừ đất nông nghiệp), đầu tư chứng khoán với mức thuế phải đóng không quá chênh lệch.

Còn tại Trung Quốc, Hoa kiều được mời gọi về nước thông qua các chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất, tiền điện và thuế kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc cũng phát hành “trái phiếu kiều dân” để thu hút nguồn kiều hối cho đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, thay đổi của luật lần này tạo tiềm năng lớn cho thị trường địa ốc nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại trong nước phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.

Vị này cho hay,  ông đã có cơ hội hợp tác với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều người đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư trở lại Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về sinh sống.

Theo số liệu của Vụ Quản lý ngoại hối, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Việc luật được thiết kế cởi mở hơn cho Việt kiều sở hữu nhà ở đã đón nhận những phản hồi tích cực.  Theo các Việt Kiều, trước đây khi mua bất động sản trong nước phải nhờ người thân đứng tên do lo ngại thủ tục phức tạp. Hiện tại, những quy định mới trong các luật giúp bà con kiều bào có thể sở hữu bất động sản trong nước dễ dàng hơn.

Hiện gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Điều này giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiều, thu hút tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhiều hơn, đó sẽ là nguồn vốn lớn cho xã hội

Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú. Cụ thể, giữa cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Như vậy, trong thời gian tới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân trong nước; giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam).