Hiệu quả ứng dụng bê tông siêu tính năng UHPC trong xây dựng

Ngày 14/1 tại Long An, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cùng CTCP Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 tổ chức Hội thảo “Hiệu quả sử dụng bê tông siêu tính năng UHPC trong lĩnh vực xây dựng”.

Tham dự hội thảo có ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), ông Nguyễn Văn Cảnh – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An, Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Sở KH&CN, ông Võ Hoài Chung – Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải, TS Trần Bá Việt – Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc CTCP Bê tông Ly tâm Thủ Đức 1.  

Ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả, kinh nghiệm của mô hình sử dụng Bê tông siêu tính năng – UHPC trong việc xây dựng các cầu giao thông trên địa bàn tỉnh Long An.

Tại Hội thảo, TS Trần Bá Việt đã trình bày tổng quan về Bê tông siêu tính năng – UHPC bao gồm: đăc trưng vật liệu thành phần, các tiêu chuẩn liên quan, các ứng dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nguyên tắc thiết kế cấp phối, kết quả nghiên cứu, thiết kế và thi công sản xuất dầm – cầu UHPC.

Theo đó, thiết kế dầm – cầu bằng UHPC dựa trên triết lý kết cấu của AASHTO LRFD và tổng hợp các nghiên cứu về UHPC trên toàn thế giới. Đó là các tiêu chuẩn hiện hành được xuất bản bởi các hiệp hội ASTM, FHWA của Mỹ, AFCG của Pháp, JSCE của Nhật Bản, KCI của Hàn Quốc.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm đó và các công trình đã được áp dụng công nghệ UHPC tại Việt Nam, từ đó đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị tại Việt Nam. Kết quả cho thấy dầm – cầu cần sử dụng UHPC có cường độ nén tối thiểu là 120 Mpa và cường độ kéo tối thiểu là 7 Mpa.

Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Sở KH&CN Long An

 ThS Đặng Văn Hiếu  – CTCP Tư vấn Xây dựng Thăng Long cho biết: Qua thực tế triển khai xây dựng hàng loạt các cây cầu tại Việt Nam cho thấy, UHPC có tính đặc chắc cao, mang lại các ưu điểm như: cường độ chịu nén, chịu kéo và mô dun đàn hồi lớn, khả năng chông thấm và chống ăn mòn cao, tăng độ bền lâu của công trình (100 – 150 năm) nên kết cấu dầm cầu có tiết diện thanh mảnh, giảm được chiều cao dầm với các tỉ lệ H/L = 1/28 – 1/35 – 1/38, tĩnh tải do tải trọng bản thân nhỏ (khoảng 50% so với dầm bê tông thông thường).

Từ đó, sẽ giảm được chi phí mố trụ và chi phí đường dẫn. Ngoài ra, UHPC còn giúp chế tạo được nhiều sản phẩm kiến trúc, tĩnh tải nhẹ nên đảm bảo mỹ quan đối với công trình cần kiến trúc đẹp, vận chuyển và cẩu lắp vào vị trí nhanh chóng.

Có thể kể tên một số dự án điển hình tại Việt Nam như: façade Trung tâm Công nghệ cao Đà Nẵng, façade đại học FPT Cần Thơ, lan can cầu dẫn điện gió Bạc Liêu, 32 cầu sân golf tại Sơn Tây, mặt cầu Thăng Long, cầu dân sinh tại các địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Long An…

TS Trần Bá Việt đã trình bày tổng quan về dầm cầu UHPC.

Là đơn vị ứng dụng thành quả nghiên cứu công nghệ UHPC vào thực tế, ông Nguyễn Ngọc Kỳ – Phó giám đốc CTCP Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 đã trình bày những ứng dụng của bê tông UHPC tại nhà máy tại các lĩnh vực như hạ tầng, áp dụng chế tạo trong nhiều kết cấu đúc sẵn như: hào kỹ thuật, cống thoát nước thải, ứng dụng đúc sẵn neo biển, nắp hố ga, song chắn chắn rác (thay thế cho các sản phẩm bằng gang), gạch lát vỉa thay đá hoa cương…

Ngoài ra, còn ứng dụng facede và nội ngoại thất như: mặt dựng đúc sẵn, cầu thang đúc sẵn, nhịp cầu đúc sẵn, các cấu kiện trang trí nội thất tạo vẻ đẹp độc đáo và sáng tạo của kiến trúc sư trong các tòa nhà văn phòng, khách sạn, khu dân cư, công viên. Nghiên cứu cho thấy UHPC có sức kháng cự tốt với các tác nhân phá hoạt đến từ yếu tố thời tiết, nhiệt độ, môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng- Giám đốc CTCP Bê tông Ly tâm Thủ Đức 1 trả lời phỏng vấn tại hội thảo

Là đơn vị sản xuất và thi công, tính toán của CTCP Bê tông Ly tâm Thủ Đức 1 cho thấy: dự toán cho 1 km cầu dẫn, phương án thiết kế dầm U UHPC sẽ giảm được 15% chi phí so với dầm U bê tông truyền thống. Tuổi thọ công trình dùng bê tông UHPC (75 năm) cao hơn bê tông thường (25 năm), chi phí bảo trình trọn đời công trình thấp hơn nhiều.

Ông Trương Công Vịnh – Công ty TNHH Ngọc Vịnh, đơn vị thi công 4 cây cầu ứng dụng công nghệ UHPC cho biết: thi công cầu đã tăng được tải trọng của cầu từ 5 tấn lên 10 tấn, thời gian thi công nhanh, lắp đặt dễ dàng.

Đại diện các đơn vị tham dự hội thảo trao đổi việc sử dụng bê tông lớn trong thi công.

Hội thảo cũng nhận được câu hỏi và tham luận về vấn đề sử dụng UHPC cũng như ứng dụng tiến bộ của công nghệ, khoa học trong lĩnh vực xây dựng. Ông Tô Hồng Phong (đại diện Công ty Grace – Công ty lớn nhất tại Mỹ về hóa chất cho bê tông cho biết tại Việt Nam) đặt ra câu hỏi về việc làm cách nào để lan tỏa công nghệ này cho người sử dụng.

Trên thực tế, công nghệ UHPC đã được ứng dụng cho một số công trình, sản xuất khoảng 1 tuần xong dầm. Cầu sân golf Đồng Mô, Hà Nội phục vụ APEC với công nghệ UHPC lắp ghép thi công chỉ trong 7 ngày. Cầu Đập Đá với công nghệ UHPC bán lắp ghép làm 14 ngày (mố trụ tại chỗ và dầm lắp ghép). Còn tại Long An, các vùng có nền địa chất tốt như Đức Hòa, Đức Huệ thì thời gian thi công có thể là khoảng 1 tháng (bằng 1/3 so với thông thường).

Toàn cảnh hội thảo.

Đại diện tỉnh Long An cũng đã công bố chính sách hỗ trợ nhân rộng ứng dụng sản phẩm UHPC trong xây dựng cầu nông thôn. Theo đó, hỗ trợ không quá 50% vốn đầu tư  cho việc triển khai một đề xuất nhân rộng, ứng dụng tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới theo quy định hiện hành của Chính phủ, không quá 30% cho các địa bàn còn lại, không quá 600 triệu đồng. Năm 2021, Long AN đã hỗ trợ cho chương trình sử dụng vật liệu bê tông siêu tính năng UHPC để xây dựng cầu giao thông nông thôn là 23,5 tỷ đồng.

Ông Tạ Việt Dũng cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình từ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đầu năm 2022, Bộ sẽ có chương trình hội thảo tại Long An để giới thiệu cho các doanh nghiệp các công nghệ cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đó là: chương trình tiếp cận tìm kiếm thông tin công nghệ (nằm trong đề án 1851). Nguồn công nghệ từ nước ngoài cũng rất quan trọng. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mới, hỗ trợ đàm phán chuyển giao công nghệ, các đoàn ra nước ngoài đàm phán, tiếp nhận và làm chủ công nghệ như thế nào (hỗ trợ chuyên gia). Vấn đề ở chỗ “giải mã” công nghệ mới để chuyển giao như thế nào để Việt Nam tiếp cận công nghệ mới của thế giới hiện nay. Mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác nhau được phân 3 loại: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp vùng sâu vùng xa.

Ông Dũng cho biết thêm, Bộ sẽ phối hợp với địa phương để nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương được tốt hơn.