Kỳ vọng làm rõ hiệu quả đầu tư
Môi trường tự nhiên và xã hội trên toàn cầu ngày càng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng mưa bão bất thường, lũ quét, trượt đất, sụt lún, nước biển dâng, xâm nhập mặn... Đặc biệt là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, số liệu quan trắc của Bộ TN&MT ở vùng này trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún đất trung bình khoảng 0,96cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với mực nước biển dâng khoảng 0,35cm/năm.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng XIII thông qua, xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Từ đó đặt ra vấn đề, khi xây dựng cao tốc cho vùng ĐBSCL, phải bảo đảm phát triển bền vững, đồng nghĩa với việc bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH…
Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cho thấy, các đoạn tuyến sử dụng cầu cạn chiếm 25-40% tổng chiều dài tuyến đường ô tô cao tốc qua vùng đồi núi và đất yếu.
Tại Việt Nam, giải pháp cầu cạn cho xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL đã được đưa ra bàn thảo tại Nghị trường Kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với nhận định ban đầu là giải pháp bảo đảm phù hợp phát triển bền vững vùng ĐBSCL nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề cần được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo để triển khai trong thực tiễn.
Tạp chí Xây dựng tổ chức Hội thảo nhằm góp phần làm rõ những nội dung liên quan đến hiệu quả đầu tư cả vòng đời dự án cầu cạn đối với vùng ĐBSCL và những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Vì sự phát triển bền vững
TS Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch HĐQT Cty CP Searefico E&C điều phối chương trình Hội thảo. Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thuyết trình tại hội thảo: GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội các Khóa IX, X và XI, với bài thuyết trình về: “Xây dựng hệ thống đường cao tốc vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL”; PGS.TS Tống Trần Tùng - Nguyên Vụ trường Vụ KH&CN Bộ GTVT, nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam: “Những thách thức trong xây dựng hệ thống cao tốc vùng ĐBSCL”.
ThS Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT với bài thuyết trình về: “Nhu cầu đầu tư và các giải pháp thiết kế các dự án đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL”; TS Phạm Văn Khánh - Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Phân tích về suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam”.
TS Trần Bá Việt - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHCNXD (IBST), Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam với bài thuyết trình về: “Hiệu quả đầu tư của giải pháp cầu cạn nhịp lớn sử dụng dầm bê tông tính năng siêu cao (UHPC) cho vùng ĐBSCL”; ThS.KS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và kiến trúc công trình giao thông: “So sánh phương án cầu cạn với các phương án nền đường đắp qua vùng đất yếu trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đắp nền”.
PGS.TS Trần Văn Miền - Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM với bài thuyết trình về: “Dự đoán độ bền của cầu cạn đường cao tốc khi làm việc trong môi trường xâm thực vùng ĐBSCL”; KTS Phạm Thanh Tú - Giám đốc Công ty CP Bê tông Đường Thủy: “Giải pháp cấp bê tông các công trình trên sông, rạch vùng ĐBSCL”.
Tạp chí Xây dựng xin trân trọng kính mời các tổ chức, cá nhân tham dự Hội thảo trực tuyến trên phần mềm Webex. ID cuộc họp: 2516 084 5440, mật mã: 29072023.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Ms Thanh Nga. Điện thoại/Zalo: 0966109397; Email: [email protected].