Khó khăn bủa vây các công ty tài chính tiêu dùng

Dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động của các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn do cả yếu tố kinh tế vĩ mô và thiếu hành lang pháp lý phù hợp.

Với dân số gần 100 triệu người, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ ở mức thấp, cộng thêm chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang được tập trung đẩy mạnh, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là mảnh đất tiềm năng với nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên từ khoảng đầu năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.

Sau đại dịch là vấn đề xung đột, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới làm cho chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối đứt gãy khiến các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chịu tác động tiêu cực.

Đơn hàng giảm, người lao động mất việc buộc phải thắt lưng buộc bụng, nhu cầu tiêu dùng giảm đi, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính tiêu dùng. Người dân hạn chế nhu cầu vay mới để chi tiêu. Khách hàng đang có dư nợ đứng trước nguy cơ giảm lương, mất việc làm nên không có khả năng trả nợ.

Nhiều yếu tố khác tác động đến thị trường tài chính tiêu dùng diễn ra cùng một lúc khiến thị trường tài chính tiêu dùng rơi vào cú shock lớn nhất từ trước đến nay.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của các công ty tài chính khi lợi nhuận của nhiều đơn vị sụt giảm sâu, thậm chí lỗ lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, FE Credit – doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường tài chính tiêu dùng - ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng, vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm cũng chỉ đạt 211,5 tỷ đồng. Trước đó, Home Credit báo lãi 1.189 tỷ đồng cho cả năm 2022.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của MCredit giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 328 tỷ đồng.

Công ty HD Saison với bề dày 15 năm hoạt động trong ngành tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo công bố 6 tháng đầu năm 2023 từ HDBank, lợi nhuận trước thuế của HD Saison sụt giảm, chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.

Không chỉ đi lùi về lợi nhuận, quy mô dư nợ và tài sản của các công ty tài chính cũng có xu hướng thu hẹp và nợ xấu gia tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các công ty tài chính, cho thuê đã giảm 5,58% trong nửa đầu năm xuống còn 293.537 tỷ đồng. Trong khi tỷ lệ nợ xấu theo ước tính của Fitch Ratings đã tăng lên 13% từ mức 11% vào cuối năm 2022.

"Khốn đốn" vì thiếu hành lang pháp lý

Ngoài các yếu tố mang tính vĩ mô và chu kỳ kinh tế, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các công ty tài chính tiêu dùng gặp khó trong thời gian qua là việc quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và quan điểm không tích cực của nhiều người đối với lĩnh vực này.

Chia sẻ tại một diễn đàn tài chính tiêu dùng gần đây, lãnh đạo công ty tài chính cho biết: Hiện nay , khách hàng đang có xu hướng tiêu cực hóa trên thị trường tài chính tiêu dùng dưới cả góc độ chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, có đối tượng gian lận lừa đảo, có những đối tượng cổ xúy trên truyền thông về quỵt nợ… Ở góc độ khách quan, có nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mất khả năng trả nợ, còn khách hàng tốt vốn đã hiếm rồi còn bị thu hẹp bởi cạnh tranh…

Đại diện công ty trên nhìn nhận, diễn biến này dẫn đến nguy cơ các nhóm khách hàng chuyển dịch ngày một xấu hơn. Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng rất dễ hình thành suy nghĩ tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều đối tượng không trả nợ vẫn không bị phạt gì?

“Doanh nghiệp phải đứng trước câu hỏi về việc có nên tiếp tục cho vay với những đối tượng này không? Nếu công ty không tiếp tục cho vay thì nhân viên sẽ mất việc nhiều. Ngân hàng chính thống không dám cho vay, các tổ chức tín dụng đen sẽ nhân cơ hội để bùng lên”, lãnh đạo công ty tài chính này chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

Đáng chú ý, tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ sức vừa chế tài, quản lý được việc các doanh nghiệp cho vay sai quy định cũng như vừa bảo vệ được những doanh nghiệp làm đúng, tạo ra sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI , từ những diễn biến trên thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua, các cơ quan chức năng cần tách bạch hoạt động đòi nợ thuê sai phạm và dịch vụ thu hồi nợ bình thường cũng như cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm. Cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay.

"Cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm để xảy ra biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ" , Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Theo ông Đức, về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, việc bảo vệ người dân, cụ thể người đi vay là cần thiết, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ cả người cho vay và cung cấp dịch vụ cầm đồ, tức các doanh nghiệp cho vay. Vấn đề toàn ngành tài chính tiêu dùng hiện đang gặp vướng là tính pháp lý trong thu hồi nợ.

Trong một báo cáo gần đây, tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch Ratings cũng nhận định: Việc quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay tiêu dùng và hình thức thu hồi nợ bất hợp pháp có thể giúp củng cố sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong trung-dài hạn. Tuy nhiên, với sự gia tăng hoạt động bùng nợ của một bộ phận người đi vay trong thời gian vừa qua – lợi dụng hoạt động thanh/kiểm tra của cơ quan chức năng đối với một số công ty tài chính tiêu dùng có sai phạm để đánh đồng hoạt động cho vay tiêu dùng với tín dụng đen nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Triển vọng thu hồi nợ đối với các khách hàng cố tình chây ỳ không trả nợ gần bằng không, khi tính chất của các khoản vay là tín chấp, nhỏ lẻ, không có tài sản đảm bảo và các thách thức gặp phải khi khởi kiện các đối tượng này.