Tuy nhiên, đối với các quốc gia phát triển, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng như là một việc đương nhiên, nhưng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng hướng này còn khá khiêm tốn.
Được biết, tại nhiều quốc gia phát triển, bề mặt kính trong các công trình xây dựng không chỉ thụ động tiết kiệm năng lượng mà còn giúp ngăn nhiệt từ ngoài vào trong, giảm thiểu truyền tải nhiệt ra ngoài, bên cạnh đó còn có khả năng chủ động thu năng lượng chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ sinh hoạt của tòa nhà.
Hay nói cách dễ hiểu hơn, loại kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng.
Tại Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09:2017/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” quy định các loại kính lắp đặt cho mặt bao tòa nhà buộc phải tuân theo quy định về hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC). Với các quy định này thì các tòa nhà có tổng diện tích sàn từ 2.500 m² trở lên, mặt bao tòa nhà có tỷ lệ diện tích cửa sổ/tổng diện tích mặt bao lớn, sẽ bắt buộc phải sử dụng các loại kính tiết kiệm năng lượng.
Theo nghiên cứu, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ tiết kiệm được từ 20% đến 30% năng lượng tiêu thụ trong khu vực. Bên cạnh đó, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng sẽ tạo ra nhiều không gian sáng tạo hơn cho các kiến trúc sư.
Trong những năm qua, thị trường kính xây dựng Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình 10% – 15%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, thị trường bắt đầu chững lại, do sự đi xuống của thị trường bất động sản và sau đó là dịch bệnh Covid-19. Ước tính, cầu thị trường trong năm 2021 giảm tới 30% so với năm trước.
Về thị trường sản xuất kính xây dựng Việt Nam cũng không ồ ạt như các loại vật liệu xây dựng khác, khi chỉ có số ít công ty chuyên sản xuất loại vật liệu này, nhất là loại kính tiết kiệm năng lượng.
Các nhà máy sản xuất kính lớn trên thị trường nội địa hiện nay cũng chưa nhiều, nổi lên một số công ty như: Kính nổi Viglacera (Bình Dương), Kính siêu trắng Phú Mỹ (Vũng Tàu), Kính Việt Nhật (Bắc Ninh) và Kính Chu Lai- INDEVCO (Ninh Bình),…
Đặc biệt, sản phẩm kính nhập khẩu từ ASEAN, vốn được miễn thuế, đang tạo ra sức cạnh tranh không nhỏ về giá bán cũng như chất lượng cho các nhà sản xuất kính nội địa. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất kính trong nước buộc phải đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hiên nay, trên thị trường vật liệu xây dựng (VLXD), kính tiết kiệm năng lượng được xem là sản phẩm VLXD mới và VLXD xanh, nổi nhất hiện nay là kính Solar Control và kính Low-E.
Kính Solar Control là loại kính được phủ các lớp hợp kim như: Titan, Crom, Niken và lớp phủ Ceramic chống ăn mòn nên có thể sử dụng ở dạng đơn lớp mà không ảnh hưởng đến độ bền của lớp phủ. Kính Solar Control có khả năng ngăn cản, kiểm soát năng lượng từ bức xạ mặt trời lên tới 79% và đặc biệt với những tia cực tím (UV), khả năng ngăn cản lên tới 99%.
Ngoài ra, loại kính này còn giúp ổn định nhiệt độ bên trong ngôi nhà hay công trình ở mọi điều kiện thời tiết, giảm tiêu tốn điện năng từ hệ thống điều hòa nên tiết kiệm được chi phí điện. Sản phẩm kính Solar Control rất đa dạng về màu sắc và chủng loại, có độ phản quang thấp nhằm hạn chế tối đa sự phản xạ gây khó chịu cho người nhìn cũng như giảm thiểu được hiệu ứng nhà kính cho không gian xung quanh tòa nhà.
Còn kính Low-E, giúp giảm thiểu tốt nhất lượng tia cực tím, ánh sáng có thể đi qua kính mà không gây ảnh hưởng đến lượng ánh sáng nhìn thấy truyền đi. Tận dụng được nguồn sáng và nguồn nhiệt mặt trời mang lại, đồng thời ngăn chặn tia UV và chống lại thất thoát nhiệt từ không gian bên trong ra môi trường bên ngoài. Đây cũng là khẳng định về tính ưu việt và độ an toàn của sản phẩm, giúp căn phòng mát mẻ trong mùa hè và ấm áp trong mùa đông.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa kính Solar Control và kính Low-E là sự hiện diện của lớp bạc (Ag) nguyên chất, có chiều dày được tính bằng đơn vị nanomet, trong hệ thống cấu trúc lớp phủ. Bạc (Ag) là một loại vật liệu có khả năng phản xạ cao với độ phát xạ thấp trong vùng bước sóng hồng ngoại nên lớp phủ Ag có tính năng chống thất thoát nhiệt giữa hai môi trường rất tốt.
Vào mùa đông, khi hệ thống sưởi ấm hoạt động, nhiệt độ không gian bên trong tòa nhà cao hơn môi trường bên ngoài, lượng nhiệt này sẽ có xu hướng thoát ra môi trường xung quanh để cân bằng năng lượng. Khi sử dụng vách kính trắng thông thường sẽ có một lượng nhiệt lớn thất thoát ra bên ngoài. Ngược lại, nếu sử dụng vách kính Low-E các tia hồng ngoại phát ra từ bên trong phòng truyền tới bề mặt kính Low-E sẽ bị phản xạ ngược lại, giúp ổn định nhiệt độ trong phòng.
Trước đây, 2 sản phẩm kính này phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài nhưng nay đã có thể sản xuất trực tiếp trong nước.
Các thông số kỹ thuật chính của loại kính tiết kiệm năng lượng trên được thể hiện như sau:
Về hệ số truyền ánh sáng: kính Low-E từ 60-70%, kính Solar Control từ 35-50%;
Độ truyền tia UV: kính Low-E
Hệ số hập thụ nhiệt mặt trời: kính Low-E từ 43-52 %, kính Solar Control từ 30-50%;
Độ truyền năng lượng mặt trời: kính Low-E
Hệ số truyền nhiệt: kính Low-E
Nếu như loại kính Low-E phù hợp với điều kiện khí hậu vùng ôn đới, thì kính Solar Control lại phù hợp với điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới. Do đó, tùy vào điều kiện khí hậu khu vực xây dựng công trình mà lựa chọn loại kính với các đặc tính phù hợp nhất.
Có một vấn đề đang đặt ra, tại sao loại kính tiết kiệm năng lượng với nhiều đặc tính và ưu điểm vượt trội như như vậy lại không được sử dụng phổ biến và rộng rãi ở các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở xã hội.
Tại cuộc Hội thảo về “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và Công trình nhà ở Carbon thấp”, TS Trần Bá Việt cũng cho rằng, nhà ở xã hội càng cần phải áp dụng các loại VLXD và công nghệ tiên tiến giúp giảm nhẹ bớt trọng lượng cho công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian... Từ đó sẽ giúp tiết kiệm các loại chi phí.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, nên áp dụng loại kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng nhà ở xã hội nhằm đáp ứng theo xu hướng sử dụng VLXD hiện nay.
Tuy nhiên, loại kính này hiện tại còn có một hạn chế về giá thành, bởi giá còn cao hơn so với các loại kính thông thường. Vì vậy, để có thể sử dụng loại kính này cho phổ biến các loại công trình và đặc biệt là nhà ở xã hội cần phải có lộ trình và các giải pháp thiết thực, nhất là vấn đề về giá thành của sản phẩm.