Lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong 2-3 tháng tới?

Lãi suất tiết kiệm tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Lãi suất cho vay được dự báo sẽ tăng trong 2-3 tháng tới.

Sau gần một năm chứng kiến làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm liên tục, đến nửa cuối tháng 3/2024, một số nhà băng bắt đầu rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn với mức tăng nhẹ. 

Đến tháng 4/2024, số lượng nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng mạnh, có đến 15 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CB, BIDV, TPBank. Đáng chú ý, không ít nhà băng tăng đồng loạt lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng lên tới 0,9 điểm phần trăm. 

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn vào tháng 5. Kể từ đầu tháng 5 tới nay, 15 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm. Trong đó có 4 ngân hàng VIB, CB, SeABank và ABBank đã tăng hai lần tăng lãi suất.

Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới khi bước sang quý II, cầu tín dụng cũng đã bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi hạn mức tín dụng cả năm đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố mới đây của Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) nhận định, lãi suất huy động và cho vay vẫn đang giữ ở mức khá thấp. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng thương mại lớn khá thấp. Tuy nhiên, một số ngân hàng có quy mô vốn nhỏ đã bắt đầu nâng lãi suất huy động.

Đơn vị này chỉ ra một số nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng nâng lãi suất huy động. Thứ nhất, do nhiều khách hàng đã chuyển sang kênh đầu tư khác với mức sinh lợi cao hơn thay vì lựa chọn kênh gửi tiết kiệm làm thiếu hụt dòng tiền vào hệ thống ngân hàng. Vì vậy, để thu hút khách hàng các ngân hàng thương mại buộc phải nâng lãi suất huy động. Thứ hai, nền kinh tế phục hồi, sản xuất cải thiện nên cầu về nguồn vốn cũng tăng lên, buộc các NHTM phải nâng lãi suất huy động để tương xứng với cầu vốn của nền kinh tế.

Trước diễn biến tăng của lãi suất hiện nay, TPS nhận định: Do chịu tác động của nhiều yếu tố như tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, sự phục hồi của nền kinh tế... nên lãi suất liên ngân hàng tiếp tục diễn biến khá phức tạp trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc điều tiết lãi suất liên ngân hàng có nhiều dư địa hơn điều tiết lạm phát.

"Ngoài ra, lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Từ huy động vốn đến đưa dòng vốn ra nền kinh tế thường có độ trễ từ 2 đến 3 tháng, vì vậy, khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong 2 – 3 tháng tới là rất cao", TPS đưa ra dự báo.

Trước đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Ông cũng dự báo rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm 2024, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên.

Theo ông Hiếu, đây là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng chứng tỏ hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, bởi cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Điều này đẩy nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.