Lý do giá 'vàng đen' liên tục tăng mạnh

Giá tiêu trong những ngày qua liên tục tăng mạnh, vượt mốc 100.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, hồ tiêu đang diễn ra vụ thu hoạch, việc giá "vàng đen" này tăng đột biến chủ yếu liên quan đến yếu tố đầu cơ, găm hàng của các đại lý, doanh nghiệp.

Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ngày 6/5, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 103.000 đồng/kg. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) vẫn ở mức 103.000 đồng/kg, giá tiêu Đắk Nông giá 104.000 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm qua.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu niêm yết ở mức 103.000 đồng/kg. Khu vực Bình Phước vẫn giữ giá 104.000 đồng/kg.

So với tuần trước, giá tiêu trong nước mấy ngày qua đã tăng thêm trung bình 6.000 đồng/kg. Còn so với đầu năm, giá tiêu tăng hơn 20.000 đồng/kg, tương đương tăng 30%.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng, hồ tiêu thường được trồng xen với cà phê nên 2 mặt hàng này có liên quan mật thiết về giá cả. Do đó, người dân thường sẽ bán cà phê khi giá cao để chuẩn bị tiền trữ hồ tiêu. Năm nay, giá cà phê liên tục tăng vọt nên người dân cũng giữ lại tiêu với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh như cà phê, khiến nguồn cung ở mức thấp.

Lý do giá 'vàng đen' liên tục tăng mạnh- Ảnh 1.

Gía tiêu tăng mạnh ngay cả khi vụ thu hoạch chính đang diễn ra.

Điều đáng nói, giá tiêu tăng ngay cả khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Đại diện VPSA cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng đầu cơ, găm hàng dẫn đến giá hồ tiêu tăng nóng thời gian qua.

Theo vị này, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tại các vùng trồng trọng điểm thời gian qua khiến cây tiêu chết nhiều. Do đó, nguồn cung hạt tiêu từ Việt Nam và Brazil dự báo có thể giảm trong thời gian tới. Nhiều đại lý, doanh nghiệp trên thị trường tăng tích trữ, găm hàng, phòng trường hợp thu mua không đủ, đẩy giá tiêu tăng cao.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - khẳng định, nguồn cung tiêu trên thị trường hiện nay là của niên vụ 2022-2023. Với niên vụ này, người dân cơ bản đã thu hoạch xong từ lâu. Do đó, việc giá tiêu tăng vọt hiện nay chủ yếu do yếu tố thị trường, có thể xảy ra tình trạng đầu cơ.

Theo ông Cường, niên vụ năm nay đang ra hoa và mới bị ảnh hưởng của hạn hán. Do dự báo sản lượng giảm, nông dân không vội bán ra như các năm.

"Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, và một phần lấy từ tồn kho từ năm trước nên lượng tồn kho năm ngoái chuyển sang năm nay thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây góp phần khan hiếm tiêu”, ông Cường cho hay.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 4 Việt Nam xuất khẩu 27.000 tấn hồ tiêu, thu về 117 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 5% về giá trị so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 2% về lượng và 40% về giá trị. Tính 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với giá trị hơn 353 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.