Theo đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, dọc theo vỉa hè của tuyến đường Lê Lợi sẽ được lắp khung thép lợp tôn vươn ra ngoài chừng 4 mét để tạo cảnh quan, lấy bóng mát cho hai bên đường. Theo cơ quan này, thời gian vừa qua tuyến đường Lê Lợi được rào chắn và di dời nhiều cây xanh để phục vụ thi công đường, nhà ga ngầm dưới lòng đất. Hiện nay việc thi công đã hoàn thành nhưng tuyến đường chưa thể tạo mảng xanh mát cần thiết. Vì vậy, việc lắp mái che dọc hai vỉa hè là cần thiết bởi thời tiết nắng nóng và mật độ người di chuyển ở đây rất lớn. Nếu được chấp thuận, việc lắp mái che này sẽ tốn kinh phí khoảng gần 30 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Duy Thắng, 34 tuổi, một nhân viên văn phòng làm việc tại đường Lê Lợi cho biết có nghe thông tin về việc lắp mái tôn che lấy bóng mát vỉa hè tuyến đường này. “Việc tìm cách tạo không gian mát mẻ cho hai bên đường là cần thiết bởi đây là trục đường chính, có nhiều tuyến xe buýt đi qua, có mật độ khách du lịch rất lớn. Cả tuyến đường dài một cây số mà chỉ có vài cái cây nhưng rất nhỏ, không có bóng mát. Tuy nhiên, nếu lắp mái che thì cần chọn vật liệu thích hợp nếu không sẽ rất bí, mất đi cảnh quan vì đi ở vỉa hè mà như đi trong hầm vậy” - anh Thắng chia sẻ.
Cũng đồng tình với việc tạo ra không gian mát mẻ quanh vỉa hè của trục đường Lê Lợi, nhưng theo tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM thì việc lắp mái che vỉa hè là chưa hợp lý. “Mái che có thể tạo bóng mát nhưng sẽ mất đi cảnh quan bởi đây là tuyến đường khách du lịch đi lại. Ngoài ra, kinh phí lắp đặt tốn kém nhưng vẫn phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng bởi kết cấu khung thép, mái tôn sẽ nhanh hư hỏng, xuống cấp vì thời tiết, mưa nắng. Cơ bản bắt buộc phải trồng cây xanh, tạo không gian thoáng mát trong lành, hài hoà với thiên nhiên. Không chỉ riêng đường Lê Lợi mà các trục đường khác cũng cần nghiên cứu các loại cây để trồng hai bên đường nhằm mang đến mảng xanh cho đô thị” - ông Cương nói.
Nhiều người cũng cho rằng có nhiều loại cây trồng tạo không gian đô thị phù hợp. Những loại cây này dễ trồng, phù hợp thời tiết và chỉ cần 2-3 năm là có thể tạo mảng xanh trong khi chi phí có thể rẻ hơn rất nhiều so với việc lắp đặt mái che, khung sắt. Và đương nhiên là hơn hẳn về mặt mỹ quan.