Nêu rõ các giải pháp kỹ thuật khi dùng cát biển làm vật liệu san lấp

Bộ TN&MT đang dự thảo đề xuất thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Góp ý kiến cho dự thảo đề xuất thực hiện Dự án này, Bộ Xây dựng cho biết cần làm rõ cơ sở pháp lý để đưa các khu vực điều tra, đánh giá vào quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường, nay là Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên trong Quy hoạch tỉnh, để làm cơ sở quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản và quy hoạch.

Về mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án, cần xem lại mục tiêu đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển làm VLXD, san lấp tại vùng biển Sóc Trăng với tài nguyên cấp 333 đạt 1 tỷ m3 là thấp so với triển vọng cát biển được xác định ở khu vực này (tài nguyên hơn 13 triệu m3).

Về phạm vi nghiên cứu Dự án, cần nghiên cứu đánh giá tác động ở khu vực điều tra 10 - 30m nước đến việc sạt lở bờ biển khi khai thác tới độ sâu 30m nước.

Nêu rõ các giải pháp kỹ thuật khi dùng cát biển làm vật liệu san lấp. Cụ thể, trong thời gian qua một số cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu triển khai một số đề tài, như: Nghiên cứu chế tạo phục gia hóa học cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển ứng dụng cho việc bồi đắp, lấn biển; Nghiên cứu chế tạo cấu kiện bê tông sử dụng tro xỉ nhiệt điện và vật liệu tại chỗ (cát biển, cát nhân tạo); Nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng đường bộ tại Việt Nam…

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, cát biển đáp ứng cơ bản yêu cầu, tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp, làm nền đường, cấu kiện xây dựng...

Tuy nhiên, trong cát biển có chứa một lượng nhất định muối hòa tan. Vì vậy, khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, nền đường sẽ có một số tác động bất lợi gây ra ăn mòn cốt thép ảnh hưởng kết cấu công trình khi tiếp xúc trực tiếp với cốt thép hay việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh: đất nông nghiệp, các mạch nước ngầm, khi các muối hoàn tan bị cuốn trôi theo dòng nước.

Ngoài ra, cần bổ sung làm rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong dự thảo Tờ trình và Quyết định đối với quá trình thực hiện Dự án.

Theo đề xuất của Bộ TN&MT, kinh phí dự kiến thực hiện Dự án là 182.186 triệu đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước.

Trong đó, mục tiêu của Dự án là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm VLXD và san lấp, phục vụ khai thác, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu cho các dự án đường cao tốc, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu vực cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiệm vụ của Dự án là thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý tài liệu hiện có, lựa chọn các khu vực triển vọng khoáng sản cát biển làm VLXD để đánh giá; Đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển trên các diện tích đã chọn với mục tiêu tài nguyên cấp 333 là 1 tỷ m3 và làm rõ tài nguyên sa khoáng đi kèm; Nghiên cứu, thử nghiệm và đề xuất phương pháp, công nghệ khai thác, chế biến, sử dụng cát biển làm VLXD, san lấp hợp lý, hiệu quả; Lựa chọn, khoanh định các khu vực khoáng sản cát biển làm VLXD, san lấp đảm bảo quy mô, chất lượng, điều kiện khai thác khả thi để chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác; Đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và nhu cầu sử dụng khác của nền kinh tế…

Phạm vi thực hiện Dự án là khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10 - 25km, độ sâu từ 10 - 30m nước (khu vực quy hoạch xây dựng cảng biển có thể vào sát bờ biển). Khu vực đánh giá được chọn là vùng biển phía đông Cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, độ sâu từ 5 - 30m nước, diện tích 2.400 km2.

Kết quả, sản phẩm chính của Dự án là khoanh định được các khu vực có cát biển làm VLXD với tài nguyên 3 tỷ m3 và tính khả thi khai thác để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ; bộ bản đồ sản phẩm của dự án gồm các bản đồ chuyên môn tỷ lệ 1: 25.000…

Dự án do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT thực hiện.