'Nội lực không chỉ ở lượng tiền, vàng, tài sản người dân đang nắm giữ'

"Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ, mà cần khai thác nguồn lực về thể chế", TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết.

Đề xuất lập Ủy ban Năng suất quốc gia

Chiều 19/9, Diễn đàn kinh tế - xã hội họp phiên toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức mới xuất hiện nhiều hơn là cơ hội, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.

'Nội lực không chỉ ở lượng tiền, vàng, tài sản người dân đang nắm giữ' - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu, cả nước gồng mình vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những yếu kém, tồn đọng từ lâu.

Ông Lực cho rằng, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Quốc Hội và Chính phủ đã ban hành; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu… nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu, bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM - hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao.

Đồng thời cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, BĐS, lao động… nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Bên cạnh việc củng cố những động lực tăng trưởng truyền thống, theo ông Lực, việc phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Qua đó, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách. Trong đó, ông lưu ý quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đặc biệt, vị chuyên gia này đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số nước có năng suất lao động cao đã làm...

Thể chế chính là "chìa khoá vàng"

Trong khi đó, TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2023 đã mang lại một số kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

'Nội lực không chỉ ở lượng tiền, vàng, tài sản người dân đang nắm giữ' - Ảnh 2.

TS.Trần Thị Hồng Minh.

Bên cạnh đó, việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, lại ở một khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Tăng cường năng lực nội sinh là đòi hỏi cấp thiết; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, điểm tích cực là đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Tuy nhiên, hiện thực hóa những tư duy ấy đòi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế.

"Để tư duy ấy trở nên sâu sắc hơn, chúng tôi cho rằng, phải có những đánh giá thấu đáo hơn, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ, mà cần khai thác nguồn lực về thể chế. Thể chế chính là nguồn lực, cũng chính là chìa khoá vàng để chúng ta có thể tận dụng, khai thác trong thời gian tới”, bà Minh cho hay.

"Họ xây chợ mới, mình có gian hàng"

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với việc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như đề xuất của ông Lực. Theo ông, việc thúc đẩy nâng cao năng suất là vấn đề quan trọng hàng đầu trong tương lai nên cần được đặc biệt quan tâm.

'Nội lực không chỉ ở lượng tiền, vàng, tài sản người dân đang nắm giữ' - Ảnh 3.

TS. Vũ Tiến Lộc.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, ông Lộc cũng cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. “Cũng giống như người ta đang xây dựng những ngôi chợ mới và cơ may là chúng ta có những gian hàng”, ông ví von.

Bên cạnh đó, đại biểu Lộc cũng lưu ý, bên cạnh vấn đề nội sinh cần cộng sinh trong nền kinh tế toàn cầu. Thời gian qua, chúng ta làm chưa tốt, tới đây cần có chính sách liên kết, để FDI không phải là ốc đảo, mà cộng sinh với kinh tế Việt Nam.

“Mỹ trở thành nền công nghiệp bán dẫn dẫn đầu chính là nhờ sự cộng sinh ấy”, theo ông, đây là bài học kinh nghiệm bổ ích cho chúng ta.