Quốc gia vừa rút khỏi OPEC bỗng hóa "mỏ vàng" mới của châu Á - Ấn Độ và Trung Quốc có thêm lựa chọn ngoài dầu Nga

Các nước châu Á đang để mắt đến nguồn dầu mỏ tiềm năng từ Angola ngay khi nước này rời khỏi sự kìm kẹp của OPEC.

Quốc gia vừa rút khỏi OPEC bỗng hóa

Theo S&P Global Commodity Insights, những người mua dầu châu Á ngày càng tự tin rằng việc Angola rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ thúc đẩy nhà khai thác ở Tây Phi tăng mạnh việc sản xuất mà không lo hạn chế, và tăng cường nguồn cung vào thời điểm bất ổn ở Trung Đông.

Khi những dấu hiệu đầu tiên về sản lượng dầu ở Angola tăng trong năm nay trở nên rõ ràng - sản lượng trong tháng 3 đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng vào tháng 2 - các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ coi đây là một diễn biến tích cực.

Ông Kang Wu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhu cầu dầu toàn cầu của S&P Global Commodity Insights, trụ sở tại Singapore, cho biết: “Với việc trở thành đối tác nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Angola, châu Á nhìn chung sẽ hưởng lợi từ nguồn cung dầu của đất nước này sau khi rời khỏi OPEC và thoát khỏi các hạn chế của tổ chức”.

Angola, nhà sản xuất lớn thứ hai ở châu Phi cận Sahara, đã bơm gần 1,13 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tăng từ khoảng 1,11 triệu thùng/ngày trong tháng 2, theo số liệu từ cơ quan quản lý năng lượng Agencia Nacional de Petroleo, Gas e Biocombustiveis (ANPG).

Bất chấp mức tăng trưởng khiêm tốn, các quan chức Angola vẫn chưa đưa ra mức tăng sản lượng như đã hứa, 4 tháng kể từ khi Angola rời khỏi OPEC sau cuộc tranh chấp kéo dài về việc sửa đổi hạn ngạch sản lượng.

Gần đây nhất là năm 2010, Angola đã khai thác kỷ lục 1,9 triệu thùng/ngày nhưng kể từ đó sản lượng của nước này đã giảm do thiếu đầu tư, thiếu hoạt động thăm dò và sự rời bỏ của các công ty dầu mỏ quốc tế khỏi các lưu vực và mỏ trưởng thành ở Tây Phi. Sản lượng của nước này giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày vào tháng 3 năm 2023, nhưng lại phục hồi sau đó.

Quốc gia vừa rút khỏi OPEC bỗng hóa

Cơ hội cho Ấn Độ, Trung Quốc

Tỷ trọng dầu thô của châu Phi trong tổng lượng dầu thô mà Ấn Độ nhập khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2023 do các nhà máy lọc dầu đã nhận khối lượng dầu giảm giá kỷ lục từ Nga và gia tăng sức mua từ các nhà sản xuất Trung Đông theo thỏa thuận thường niên.

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ thường chủ yếu mua dầu của châu Phi thông qua các phương thức đấu thầu giao ngay. Tuy nhiên, cơn khát dầu châu Phi của quốc gia này gần đây đã giảm bớt do nguồn cung dầu dồi dào của Nga được bán với giá chiết khấu cao.

Tỷ trọng nhập khẩu dầu thô của Tây Phi trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm xuống 4% vào năm 2023, từ mức 13% vào năm 2019.

Theo S&P Global Commodities, sản lượng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Tây Phi là khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm 2019. Khối lượng giảm xuống khoảng 200.000 thùng/ngày vào năm 2023. Trong số 200.000 thùng/ngày dầu từ Tây Phi được nhập khẩu vào năm 2023, chỉ có khoảng 60.000 thùng/ngày đến từ Angola, so với mức cao 119.000 thùng/ngày vào năm 2019.

Bà Himi Srivastava, chuyên gia dầu mỏ Nam Á tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Có hai lý do chính khiến nhập khẩu dầu thô từ Angola giảm. Thứ nhất, nhập khẩu từ Tây Phi giảm do tỷ trọng dầu thô của Nga tăng ở và thứ hai là suy giảm sản lượng ở Angola”.

Một nguồn tin từ ngành lọc dầu của Ấn Độ cho biết: "Bất kỳ sự gia tăng nào trong sản lượng của Angola đều sẽ tốt cho Ấn Độ. Động lực có thể thay đổi một lần nữa khi sản lượng tăng và chúng tôi có thể tìm cách mua thêm từ họ".

Theo CAS, Angola sản xuất dầu thô có độ nhớt cao, loại dầu phổ biến ở các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, nước đã nhập khẩu 1,1 triệu thùng dầu/ngày của Angola trong tháng 3. Các loại dầu thô của Angola, bao gồm Girassol, Cabinda và Dalia, cũng tìm thấy các khách hàng tại Ấn Độ và châu Âu.

Một nhà phân tích có trụ sở tại London cho biết "Rời khỏi OPEC có thể giúp Angola thu hút đầu tư thượng nguồn, nhưng trong ngắn hạn, sẽ khó nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong nguồn cung dầu cho Trung Quốc, vì Trung Quốc vốn đã chiếm 80% sản lượng dầu của Angola".

Một nhà kinh doanh dầu thô tại Singapore chuyên cung cấp dầu cho Trung Quốc cho biết nguồn cung dầu tại Trung Quốc có thể không có xu hướng thay đổi ngay lập tức, ít nhất cho đến khi sản lượng dầu có chiều hướng tăng mạnh.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc ghi nhận, nước này đã nhập khẩu 572.000 thùng/ngày dầu thô của Angola từ tháng 1 đến tháng 2, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, sản lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc của Angola là 603.000 thùng/ngày, đưa Tây Phi trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 8 cho Trung Quốc. Vào năm 2022, sản lượng đã tăng nhẹ ở mức 604.000 thùng/ngày.

Sự quan tâm từ các nhà lọc dầu Thái Lan và Hàn Quốc

Các nhà quản lý nguyên liệu và thương mại tại các nhà máy lọc dầu lớn ở Thái Lan và Hàn Quốc cho biết nhà sản xuất tại Tây Phi này có thể đóng một vai trò quan trọng trong an ninh nguồn cung dầu thô của châu Á, nếu họ được tự do khai thác và xuất khẩu nhiều nhất có thể mà không có bất kỳ ràng buộc nào từ các quy định sản lượng của OPEC.

Các loại dầu thô ngọt nhẹ của Angola luôn là một phần thiết yếu trong chiến lược nguyên liệu thô của Thái Lan và mô hình của nhà máy lọc dầu của nước này trong vài thập kỷ qua, nhưng các lô hàng xuất khẩu từ Tây Phi đã giảm đáng kể trong những năm gần đây do các quy định về hạn ngạch của OPEC, theo chia sẻ của một nhà quản lý nguyên liệu và hậu cần cấp cao tại Tập đoàn dầu khí quốc gia của Thái Lan (PTT).

Quốc gia vừa rút khỏi OPEC bỗng hóa

Sản lượng nhập khẩu dầu thô từ Angola của Thái Lan.

Dữ liệu từ hải quan Thái Lan cho thấy nước này đã nhập khẩu 11.515 thùng/ngày dầu thô từ Angola trong hai tháng đầu năm 2024, so với mức nhập khẩu trung bình là 22.794 thùng/ngày vào năm 2023 và 38.610 thùng/ngày vào năm 2022.

Nguồn cung cấp dầu thô ngọt nhẹ chính như các nhà khai thác từ Mỹ và Tây Phi là lý tưởng, vì họ cung cấp cho châu Á một lựa chọn nguồn cung thứ cấp rất đáng tin cậy và vững chắc, bên cạnh các nhà cung cấp dầu thô chua từ Trung Đông”, nguồn quản lý nguyên liệu PTT cho biết.

Nguồn tin này cũng cho hay, “Angola rời OPEC tất nhiên là tin tuyệt vời đối với người tiêu dùng cuối ở châu Á. Rất có thể nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Á đang tích cực tìm cách ký kết các hợp đồng dài hạn”.

Theo các nhà quản lý nguyên liệu tại hai nhà máy lọc dầu lớn của Hàn Quốc, ngành công nghiệp lọc dầu của nước này từng vận chuyển một vài lô hàng lẻ Suezmax chứa dầu thô ngọt nặng của Angola vào khoảng 10 năm trước. Và hiện nay với sản lượng tăng lên, các nhà lọc dầu có thể đánh giá lại chiến lược cung cấp dầu thô của Tây Phi, nếu Angola có thể cung cấp liên tục 1-2 triệu thùng cho mỗi chu kỳ giao dịch.

Một nhà giao dịch nguyên liệu và quản lý hàng tồn kho tại một nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng từ quan điểm của người tiêu dùng châu Á, càng nhiều nhà cung cấp vừa và nhỏ rời khỏi OPEC thì càng có lợi cho châu lục này”.