Thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh: Đạt xấp xỉ 40% dự toán ngay trong quý 1

Theo Tổng Cục Thuế, quý I/2022, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ.

Cụ thể, so với dự toán có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 25%), trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 27,5%; doanh nghiệp có vốn ĐTNN ước đạt 30%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 34%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 43,3%; thuế bảo vệ môi trường ước đạt 25,9%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 30,3%; thu phí, lệ phí ước đạt 27,3%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 38%...

So với cùng kỳ có 11/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng đó là: thuế thu nhập cá nhân ước tăng 20,6%; thuế bảo vệ môi trường ước tăng 7,1%; lệ phí trước bạ ước tăng 5,1%; phí - lệ phí ước tăng 4,2%; thu tiền cho thuê đất ước tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất ước tăng 21%.

Thu ngân sách quý I/2022 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước (bình quân một tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động); tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách thì có được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý.

Tính đến ngày 14/03/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 4.890 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 90.503 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 113,32% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 4.255 tỷ đồng trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.050,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 237,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.967,1 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022 toàn ngành Thuế đã thu được 7.250 tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 150 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban quý I/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, thu ngân sách quý I đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, các đơn vị cần tiếp tục rà soát kỹ nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế phương án điều hành ngân sách cho phù hợp. 

Đặc biệt, trong bối cảnh từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý nợ, cơ quan thuế các cấp, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cần các đơn vị chức năng cần chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để Tổng cục có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có vào công tác quản lý nợ thuế, từ đó, đẩy nhanh tiến độ xử nợ chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời việc xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Đồng thời, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục Thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 đã được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế.

https://cafef.vn/thu-ngan-sach-tu-thue-thu-nhap-ca-nhan-bat-dong-san-tang-manh-dat-xap-xi-40-du-toan-ngay-trong-quy-1-20220402161023786.chn

Thái Quỳnh

Theo Nhịp sống kinh tế