Tỷ giá USD ngày 29/9 giảm mạnh xuống dưới mốc 24.500 đồng

Sau nhiều ngày duy trì ở sát mốc 24.600 đồng, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay (29/9) quay đầu giảm mạnh và tuột mốc 24.500 đồng.

Cụ thể tại Vietcombank, giá USD đang được niêm yết ở mức 24.150-24.490 đồng, giảm 70 đồng so với cuối ngày hôm qua (28/9). Trước đó, ngày 26/9, giá bán USD tại Vietcombank đã có thời điểm lên 24.610 đồng.

Tương tự, giá USD tại BIDV cũng đã được điều chỉnh xuống 24.185-24.485 đồng, thấp hơn hôm qua khoảng 65 đồng. VietinBank giảm 100 đồng xuống 24.165-24.505 đồng.

Các ngân hàng khác cũng giảm khoảng 50-60 đồng so với hôm qua. Trong đó, ACB giảm 60 đồng, niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.190-24.490 đồng. Techcombank giảm 60 đồng xuống 24.180-24.505 đồng.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do hôm nay không có nhiều biến động, phổ biến ở mức 24.350 đồng chiều mua vào và 24.450 đồng chiều bán ra.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 29/9 ở mức 24.089 đồng, tăng 1 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 23.400 – 25.243 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền đồng từ ngày 21/9 đến nay. Trong 6 phiên (21-28/9), nhà điều hành đã hút khỏi thị trường 90.000 tỷ đồng. Theo giới chuyên gia, động thái hút tiền qua kênh tín phiếu của NHNN là nhằm điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bằng VND, giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất đối với tỷ giá. Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD.

Theo Chứng khoán BSC, tỷ giá sẽ không phải một vấn đề lớn trong năm nay khi mà Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành tỷ giá nhờ cán cân thương mại ngày càng thặng dư và có xu hướng tăng khi tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh hơn tăng trưởng xuất khẩu (trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại đạt 20,9 tỷ USD). Thêm vào đó, lượng kiều hối chảy vào Việt Nam được ghi nhận vẫn ở mức ổn định, dòng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại tích cực trong 1,2 tháng trở lại đây. Tính đến tháng 7, lũy kế vốn FDI thực hiện tăng 1,28% so với cùng kỳ sau khi tăng trưởng âm suốt lũy kế 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cũng ngày càng thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, theo BSC, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD.