Sáng ngày 26/9, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Báo Tiền phong phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thẻ và Xu hướng thanh toán tương lai .
Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đến tháng 6/2023, có 82 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 51,14% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị). Hệ thống ATM, POS cũng được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn thị trường hiện có hơn 21.360 ATM, hơn 477.900 POS (tăng tương ứng 3,31% và 28,86% so với cùng kỳ năm 2022).
Dịch vụ thẻ phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn và phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều tiện ích khác nhau cung cấp cho khách hàng. Để gia tăng lượng giao dịch không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã đẩy mạnh thanh toán hàng hóa dịch vụ sử dụng thẻ, các tiện ích dịch vụ,… Ngoài rút tiền mặt, chủ thẻ có thể dễ dàng sử dụng thẻ trong các thanh toán giao dịch hóa đơn điện thoại, internet, trả phí bảo hiểm, chuyển khoản thanh toán,… Tiện ích của thẻ ATM không chỉ giúp chủ thẻ quản lý được tiền, không đem theo một lượng tiền lớn để thanh toán hàng hóa dịch vụ, tiết kiệm được tiền,… mà còn giúp họ tiết kiệm chi tiêu khi các ngân hàng phát hành thẻ phối hợp với những đơn vị bán hàng giảm giá hàng hóa cho khách hàng sử dụng thẻ.
Quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh sự phát triển đó, các ngân hàng Việt Nam cũng không ngừng quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng sử dụng thẻ. Đến nay, 100% thẻ tại Việt Nam đã được phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip chuẩn EMV, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thẻ.
Thị trường thẻ Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM. Tính đến 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).
Về mặt giá trị, giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh, cụ thể: đến 31/12/2021, giao dịch toàn hệ thống thẻ đạt gần 1,6 tỷ món, tương đương 4,44 triệu tỷ; đến 31/12/2022, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 2,2 tỷ món, tương đương 4,86 triệu tỷ (tăng lần lượt 39,12% về số lượng và 9,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); và đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức thẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Đến tháng 7/2023, có 15 TCPHT phát hành thẻ tín dụng nội địa (cụ thể như: Agribank phát hành thẻ Lộc Việt; VietinBank phát hành thẻ Vietinbank 2Card; Sacombank phát hành thẻ Easy Card, HDBank phát hành thẻ Flex,…).
Từ các kết quả đã đạt được có thể thấy thời gian qua, các TCPHT đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Nỗ lực này của các tổ chức tín dụng nhằm đẩy mạnh TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Về xu hướng phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam, theo Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, trước sự phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển hình thức thanh toán mới, hiện đại, gia tăng các dịch vụ trên thẻ như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC).
Ngoài ra, thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển. Số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng tăng do đây vừa là một dịch vụ tín dụng, vừa là công cụ thanh toán đơn giản, thuận tiện và ngày càng có nhiều ưu đãi. Chính vì lẽ đó, nắm bắt xu hướng và nhu cầu của người dân, trong thời gian qua một số ngân hàng, công ty tài chính đã nghiên cứu, cho ra mắt dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa mang thương hiệu Việt với tiêu chuẩn, công nghệ chung, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; giúp xã hội giảm bớt các vấn đề của tín dụng đen, vay online, vay tiêu dùng, giảm chi phí ngoại tệ trả cho nước ngoài,…; đồng thời giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.
"Tôi tin rằng, xu hướng thanh toán trong tương lai của giới trẻ Việt Nam, các bạn thế hệ Gen Z+ sẽ có cái nhìn đúng và ưu triên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như để khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”" - ông Phạm Anh Tuấn nói.