Mở đường cho trái cây xuất ngoại
Các loại trái cây như sầu riêng, nhãn, vải, xoài, thanh long, dừa, chuối, dứa, chanh leo…ngày càng được các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU… ưa chuộng.
Theo báo cáo, trong năm 2023 là một năm thành công trong xuất khẩu trái cây, trong đó, điểm nổi bật là xuất khẩu sầu riêng với giá trị thu về cho loại trái cây này là 2 tỉ đô la Mỹ.
Thời gian qua. nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam đã được mở đường thành công đến được với những thị trường lớn.
Đơn cử như đàm phán thành công để mở cửa thị trường Mỹ đối với dừa tươi xuất khẩu, ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhận chuyển giao việc giám sát các cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu thay cho việc phải mời chuyên gia nước ngoài.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2024, nước ta sẽ tiếp tục đàm phán để mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho xuất khẩu rau quả. Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 4 sản phẩm mới, bao gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.
Việt Nam đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng bóc múi đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Ấn Độ. Những sản phẩm này sẽ đóng góp một giá trị kim ngạch lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, bổ sung vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu rau củ quả đa dạng và phong phú.
Thực tế cho thấy, tiềm năng xuất khẩu trái cây của nước ta rất lớn và đang được chú trọng khai thác triệt để với chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay, có 56 địa phương đã cấp 7.344 mã số vùng trồng, 1.629 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Liên tục "nâng cấp" để đáp ứng thị trường ngày càng "khó tính"
Thực tế cho thấy, hầu hết các thị trường nhập khẩu trái cây tươi đều có yêu cầu về sản phẩm phải nằm trong mã số vùng trồng được cấp; sản phẩm phải được xử lý trước khi đóng gói với cơ sở được hai bên cùng chấp nhận. Việc kiểm soát sản phẩm qua các khâu để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng cũng như giúp nhanh chóng tìm ra khâu có nguy cơ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu có. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói của thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao.
"Do đó, chủ sở hữu các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng trước khi chuyển tới nhà đóng gói hoặc trước khi xuất xưởng. Đồng thời, tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng", ông Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để được các thị trường tiếp nhận trái tươi thì việc phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm là những yếu tố tiên quyết. Bởi vậy, các hợp tác xã khi sản xuất, doanh nghiệp khi xuất khẩu đến thị trường nào cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường đó; từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ví như thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Ủy ban châu Âu (EC) thường xuyên thay đổi, cập nhật liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu, nhất là đối với các sản phẩm như trái cây tươi và đông lạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, địa phương cần xây dựng giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu và tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoặc thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các trường hợp vi phạm theo quy định; đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng...